Bình Phước có 13 khu công nghiệp đang hoạt động và 6 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. |
Quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt 115.357 tỷ đồng, với GRDP bình quân đầu người đạt 108,4 triệu đồng, tăng 13,42% so với năm 2023.
Trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu khi chiếm tỷ trọng 45,96%, tăng đáng kể so với mức 43,86% của năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng mạnh 17,49%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 16,81%.
Hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu cũng ghi nhận kết quả tích cực với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 10,05% so với năm 2023, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD, tạo nên con số xuất siêu ấn tượng 1,7 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, thu hút 1.246 doanh nghiệp mới thành lập, tăng 17,11% so với năm trước, bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có hơn 100 doanh nghiệp mới.
Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn xấp xỉ 23% trong cơ cấu kinh tế, nhưng vẫn đạt tăng trưởng khả quan với tổng giá trị gia tăng đạt 25.467 tỷ đồng, tăng 5,19%. Ngành chăn nuôi phát triển mạnh với 390 trại chăn nuôi heo, tổng đàn đạt 2,1 triệu con (tăng 13,82%) và đàn gia cầm trên 10 triệu con (tăng 0,85%).
Điểm nhấn trong năm là việc tổ chức thành công Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước 2024, thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới. Song song đó, tỉnh đã tích cực xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Sơn Đông, Phúc Kiến (Trung Quốc), mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế.
Với việc công bố Quy hoạch Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khởi công các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cùng việc chuẩn bị khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, những thành tựu kinh tế năm 2024 đã tạo nền móng vững chắc cho Bình Phước phát triển nhanh hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo.