Doanh nghiệp thấy ngại khi nhận trợ cấp, trợ giá
Đây là tiếng nói chính thức từ các nhà doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng, khi trực tiếp trao đổi với chúng tôi về đề tài trợ giá. Ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần vận tải Phương Trinh (buýt Phương Trinh) nêu quan điểm: Với đà hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế như hiện nay, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng và lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm thước đo cho tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp mình. Vì vậy, vấn đề ưu đãi, trợ giá, trợ cấp không phải là đề tài hấp dẫn, mà phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, để cộng đồng nhìn vào là biết ngay những doanh nghiệp đó đang làm nhiệm vụ công ích, phi lợi nhuận.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi có nhiệm vụ phát triển và kết nối hệ sinh thái của mình. Tức là liên hệ với các trường học, siêu thị, cửa hàng tiện ích, quán cà phê... chấp nhận thanh toán qua thẻ của hệ thống. Như vậy, chỉ cần số vốn rất nhỏ đầu tư ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và bản thân nhà đầu tư. Ông Thanh nhấn mạnh: “Hiện tại nếu trang bị thiết bị và phần mềm quản lý trên cho xe buýt thông minh theo yêu cầu của tỉnh thì chi phí dao động khoảng 30 triệu đồng/xe”.
Ông Thanh phân tích thêm: trong ngành vận tải hành khách công cộng thì xe buýt khác với taxi, xe khách. Bởi vì xe buýt đến giờ là phải xuất bến, dù có khách hay không, và phải đảm bảo đúng lịch trình. Hiện tại, không riêng chúng tôi mà các doanh nghiệp khác cũng đang chung hoàn cảnh, đó là “mỗi chuyến xe buýt tiền bán vé thu được khoảng 500.000 đồng, nhưng tiền xăng dầu phải trả là 600.000 đồng. Nếu không tìm cách để tự cứu mình thì không doanh nghiệp nào có thể tồn tại trước bài toán mà khi mới đọc đề đã biết chắc kết quả”! Giải pháp nhiều doanh nghiệp đang áp dụng để tồn tại là “cố gắng tận dụng và cắt giảm”.
Trạm dừng đón khách của xe buýt truyền thống liền kề với nhà chờ xe buýt Becamex Tokyu
Đồng cảm với suy nghĩ của các đồng nghiệp Việt Nam, ông Katsuhisa Akiyama, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu nói: Tập đoàn Tokyu được Chính phủ Nhật Bản giao quy hoạch, vận hành đô thị và điều tiết từ lợi nhuận đó để bù đắp cho hoạt động của xe buýt, nhằm tránh tiếng trợ giá. Nhưng thực chất, ở đô thị nào, hoạt động xe buýt cũng đều được trợ giá vì nó hoạt động mang tính công ích chứ không thể có lãi.
Đổi mới và hiện đại hóa
Ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng, việc ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp xe buýt nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, nhưng với các tuyến và những doanh nghiệp đã có lãi thì phải xem xét đấu giá. Đồng tình với ý kiến này, các nhà khoa học đang công tác tại các khoa: kinh tế, quản trị kinh doanh ở các trường đại học tại Bình Dương nêu ý kiến: “Nên công bằng, công khai, minh bạch theo cách đó, kể cả việc đấu giá cung cấp các dịch vụ công nghệ cao như xây dựng phần mềm quản lý, vận hành phục vụ cho đề án nâng cao chất lượng hoạt động phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tiềm năng và khả năng của sinh viên, các nhà khoa học tại Bình Dương đủ sức để đảm đương việc đó”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Trước cơn lốc cạnh tranh thị trường, các doanh nghiệp vận tải nói chung và doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng nói riêng, đều tìm cách hiện đại hóa hoạt động để vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn, tiện ích của khách hàng, vừa nâng cao năng lực của chính bản thân doanh nghiệp. Ví dụ: Taxi TL chỉ là một hãng taxi nhỏ ở địa phương nhưng đã dám đầu tư ,trang bị phần mềm quản lý (app store) để điều phương tiện theo yêu cầu của khách hàng ở bất cứ nơi đâu. Giá của app store chưa đến 100 triệu đồng. Điều này đã gây bất ngờ với cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương vì vốn đầu tư không có gì là lớn lao hoặc ngoài tầm tay của nhiều doanh nghiệp.
Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương với Mobifone về cung cấp dịch vụ truyển dẫn không dây trong quản lý, vận hành phương tiện ứng dụng công nghệ cao.
Phát biểu với tư cách lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp, ông Vũ Quang Thanh nhấn mạnh: Doanh nghiệp nào cũng muốn quản lý tốt hoạt động, tài sản của mình. Phương Trinh Buýt đã trang bị phần mềm quản lý ứng dụng công nghệ cao để tiết giảm các khâu trung gian, tiết giảm chi phí, giảm sự can thiệp đến mức ít nhất của con người, nhằm dồn sức tạo bước đột phá cho sự phát triển.
Phần mềm quản lý gắn với hệ sinh thái kinh tế
Cụm từ trên được sinh ra từ sự trăn trở về trách nhiệm vủa Hiệp hội vận tải tỉnh Bình Dương đối với các hội viên. Ông Vũ Quang Thanh cho biết thêm: “Hiệp hội vận tải tỉnh Bình Dương vừa ký biên bản hợp tác với Mobifone khu vực 9, thuê dịch vụ cung cấp đường truyền, data để áp dụng cho việc quản lý (app store) phương tiện - tương tác khách hàng. Chương trình này được tự động hóa, nếu áp dụng cho hoạt động xe buýt sẽ rất thuận lợi, nhà nước sẽ đỡ những khoản kinh phí đầu tư xây dựng nhà chờ, bảng thông tin hướng dẫn tuyến, bán và kiểm soát vé, cũng không phải lặn lội khảo sát địa bàn, v.v.. Tất cả thông tin sẽ được truyền về trung tâm quản lý dữ liệu, cơ quan quản lý cùng lúc, kể cả đánh giá của khách hàng về chất lượng dịch vụ, chất lượng hoạt động của từng tuyến… Ngay tại văn phòng trung tâm điều khiển dữ liệu thông tin, chúng ta có thể theo dõi tuyến nào đông khách, tuyến nào vắng khách và có thể điều chỉnh một cách dễ dàng./.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm: Đề án phải được hoàn thiện theo hướng hiện đại, triển khai theo từng giai đoạn. Mỗi lần thông qua đề án là một lần khó. Tôi đồng tình với những ý kiến góp ý rất khoa học và sát thực tế của các đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện chính sách có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh giao Sở GTVT tiếp thu ý kiến và tách bạch ra từng vấn đề, nhóm giải pháp, lấy công nghệ hiện đại làm nền tảng, để lần lượt triển khai theo thứ tự ưu tiên với phương châm: “Giao thông đô thị văn minh thì nền tảng hạ tầng phải thông minh”.
Trần Gừng