Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang triển khai cài đặt ứng dụng “VssID- BHXH số” đạt hơn 101%. Ông vui lòng chia sẻ kinh nghiệm về kết quả nổi bật này?
Ông Đặng Hồng Tuấn: Để đưa ứng dụng “VssID- BHXH số” thực sự đi vào cuộc sống, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đổi mới cách làm: Nói cho dân nghe, đưa cho dân nhìn, dân cảm nhận, rồi “dân hiểu, dân tin, dân làm”. Các văn bản truyền thông được chuyển thể thành bảng tóm tắt ngắn gọn, hình vẽ trên tờ rơi, mạng xã hội… Đồng thời, phối hợp các ngành, tổ chức công đoàn có đông lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ và đã tham gia BHXH, BHYT…
Kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị sử dụng lao động cài đặt ứng dụng “VssID-BHXH số”. Bảo hiểm xã hội từ tỉnh đến cấp huyện phân công viên chức phụ trách, hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động, đại lý thu, trường học làm đầu mối hướng dẫn trực tiếp; đến từng địa bàn để hướng dẫn, cài đặt cho nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT, giáo viên. Đồng thời, cài đặt trực tiếp cho cán bộ hưu trí trong kỳ chi trả lương hưu; cài đặt cho người dân trong dịp làm căn cước công dân...
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, không thể tổ chức hội nghị tuyên truyền tập trung, Bảo hiểm xã hội tỉnh chuyển qua hội nghị trực tuyến, nhóm nhỏ qua Google meet, Zoom, qua livestream đến người dân. Điểm nhấn là “Cuộc thi tìm hiểu ứng dụng VssID-BHXH số” trực tuyến và trực tiếp qua mạng xã hội, tạo hiệu ứng tích cực. Cuộc thi thu hút gần 5.000 người tham dự; các thí sinh tự cài đặt VssID cho bản thân, giới thiệu và cài đặt VssID cho hơn 8.000 người.
Ông vui lòng chia sẻ giải pháp và kết quả của chương trình “Tặng thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương” trên địa bàn tỉnh?
Ông Đặng Hồng Tuấn: Người dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Cụ thể, hơn 85.000 người dân mất việc làm từ các địa phương khác phải về quê; hơn 77.000 người dân tại vùng đặc biệt khó khăn trước đây được ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT, nay phải bỏ tiền mua thẻ BHYT. Vì thế, Bảo hiểm xã hội tỉnh phát động chương trình nhân văn “Tặng thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương”.
Chương trình được phát động vào cuối năm, nhưng các đơn vị, nhà hảo tâm rất nhiệt tình hưởng ứng, chung tay giúp người dân khó khăn. Mục tiêu trước mắt là trao tặng 2.500 thẻ BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp nhận thông qua tài khoản thiện nguyện vừa được mở, với tiêu chí công khai, minh bạch. Ngoài số tiền cán bộ công chức viên chức trong ngành hỗ trợ (171 triệu đồng), hơn 20 ngày cuối năm, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 500 triệu đồng. Nguồn kinh phí này giúp các hoàn cảnh khó khăn có được thẻ BHYT để làm “phao cứu sinh” khi chẳng may ốm đau, bệnh tật.
Năm 2022, BHXH tỉnh An Giang đặt mục tiêu phát triển 121.642 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; 41.295 người tham gia BHXH tự nguyện; 111.141 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 1.770.193 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ BHYT cho người cao tuổi; tiếp tục triển khai BHYT học sinh, sinh viên năm học 2021-2022.
Được biết, An Giang sẽ Vinh danh doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Đây là một trong những những nội dung đáng chú ý của Kế hoạch số 411 vừa được BHXH tỉnh An Giang ban hành. Xin ông cho biết những tiêu chí được bình xét?
Ông Đặng Hồng Tuấn: Tiêu chí lựa chọn là những đơn vị sử dụng lao động (bao gồm doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp) tiêu biểu trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh đang hoạt động và tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động từ 3 năm trở lên. Bắt đầu từ 1/1/2020.
BHXH tỉnh sẽ chọn lựa 18 đơn vị tiêu biểu trong tỉnh để vinh danh chia 2 nhóm. Trong đó nhóm 1 gồm 15 doanh nghiệp, nhóm 2 chọn lựa 3 đơn vị sự nghiệp.
Về nguyên tắc bình xét sẽ dựa vào 2 tiêu chí chính. Trong đó tiêu chí chính với thang điểm 70 điểm/ năm. Để đạt được thang điểm này DN cần đáp ứng những điều kiện sau: Thực hiện tốt quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; Đóng BHXH, BHYT, BHTN; trả sổ BHXH; trả thẻ BHYT cho người lao động; Giải quyết tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ, việc chi trả phải kịp thời đúng thời hạn; Thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan BHXH trong các lĩnh vực: Triển khai giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, cung cấp thông tin...
Ngoài tiêu chí chính phải đáp ứng các tiêu chí phụ ( 30 điểm) như thực hiện nghĩa vụ thuế; an toàn lao động; bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh trật tự; phòng cháy chữa cháy; an toàn thực phẩm; tham gia các hoạt động xã hội từ thiện (tặng thẻ BHYT, sổ BHXH); đã được khen thưởng thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT và các phong trào do địa phương phát động.
Số điểm tối thiểu phải đạt: 70 điểm/năm. - Thời gian xét thành tích: Định kỳ 3 năm/lần.
Ngoài ra, sẽ không xét tặng bằng khen của UBND tỉnh; BHXH Việt Nam hoặc giấy khen của Giám đốc BHXH tỉnh nếu vi phạm một trong các nội dung sau: Có cá nhân vi phạm pháp luật bị xứ lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa thực hiện theo kết luận thanh tra, kiểm toán. + Không chấp hành đúng pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, thuế không thực hiện và giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động và các hoạt động xã hội khác; Để xảy ra tình trạng đình công, đơn thư, tố cáo…
Trường hợp các đơn vị đã được khen thưởng sau đó phát hiện báo cáo thành tích không trung thực hoặc có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị thu hồi bằng khen, giấy khen.
Việc triển khai kế hoạch vinh danh doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người lao động là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tại các DN đồng thời thông qua đó tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho các DN về tính tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong sản xuất.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ.
Lan Phương (t/h)