Bến Tre: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

09:23 30/06/2022

Theo kết quả công bố Chỉ số PCI năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Việt Nam), điểm số PCI của Bến Tre năm 2021 đạt 66,34 điểm (giảm 2,74 điểm so với năm 2020) và giảm 10 bậc so với năm 2020, xếp thứ hạng 18/63 tỉnh, thành phố; xếp vị trí thứ 5/13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp tiếp tục giữ vững 3 vị trí đầu tiên cả nước. Việc tụt hạng, giảm điểm ở cả 10 chỉ số thành phần cho thấy Bến Tre còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đến thăm doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại huyện Ba Tri.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đến thăm doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại huyện Ba Tri.

Nhận diện những hạn chế

Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ có 2 chỉ số tăng điểm so với năm 2020 là: tính năng động và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Trong khi có đến 8 chỉ số bị giảm điểm gồm: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động; thiết chế pháp lý.

Chỉ số chi phí thời gian và đào tạo lao động tiếp tục là điểm số thấp nhất trong 4 năm liền 2018, 2019, 2020, 2021. Theo bảng xếp hạng, mặc dù tính năng động và Chính sách hỗ trợ DN có tăng điểm nhưng không tăng hạng hoặc vẫn tụt hạng rất xa so với cả nước. Còn lại hầu hết đều tụt hạng, thậm chí tụt hạng rất sâu dù các năm trước chỉ số này có thứ hạng cao (ví dụ tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý). Duy chỉ có chỉ số gia nhập thị trường, mặc dù có giảm điểm nhưng tăng hạng.

Việc tụt hạng, giảm điểm ở cả 10 chỉ số cho thấy tỉnh còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện, từ đó đòi hỏi các ngành, các cấp cần phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Trần Thị Xuân Duyên cho biết: Một điều đáng ghi nhận là không còn DN nào phải chờ hơn 3 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ DN làm thủ tục đăng ký DN qua phương thức mới (trực tuyến, trung tâm hành chính công, bưu điện) tuy có cải thiện nhưng vẫn còn tương đối thấp, chỉ khoảng 48%.

Tiếp cận đất đai là chỉ số tụt hạng nhiều nhất (41 bậc) so với năm 2020 (hạng 6/63) và cũng là chỉ số có thứ hạng thấp nhất trong 10 chỉ số. Nhìn vào dữ liệu chi tiết thì nhiều thành phần trong chỉ số này vẫn chưa được cộng đồng DN đánh giá cao: có 31% DN cho rằng các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian và có đến 54% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai...

Hay với chỉ số chi phí không chính thức cũng giảm điểm, tụt hạng là điều đáng lo ngại, trong khi năm 2020, đây là chỉ số xếp hạng cao nhất của tỉnh (hạng 2).

Một số nhiệm vụ, giải pháp

Khắc phục những hạn chế nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số nhiệm vụ chung và nhiệm vụ, giải pháp cải thiện ở từng chỉ số thành phần. Về nhiệm vụ chung, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, TP. Bến Tre, các hội, hiệp hội có trách nhiệm tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về thái độ, tác phong, trách nhiệm trong thực hiện công vụ; xác định việc chung tay xây dựng chính quyền phục vụ, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho mọi người dân, DN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải thiện chỉ số PCI và vai trò, tầm quan trọng của người dân, DN trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông tin, triển khai đầy đủ, kịp thời, phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động theo quy định của pháp luật.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre- Dương Văn Phúc, để tăng hạng chi phí không chính thức, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục công bố rộng rãi “Đường dây nóng”, E-mail tiếp nhận thông tin của UBND tỉnh trên các phương tiện truyền thông, Cổng thông tin điện tử tỉnh. Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, DN trong giải quyết thủ tục hành chính. Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các vụ án kinh tế, tiếp tục tạo niềm tin cho DN sử dụng các công cụ pháp lý trong giải quyết bất đồng, tranh chấp trong kinh doanh…

Về tiếp cận đất đai, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tổ chức triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phú Thuận, Cụm công nghiệp Long Phước để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc lựa chọn các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư vào các KCN; rà soát thu hồi các dự án chậm, không triển khai theo cam kết.

“Năm 2022, là năm khó khăn và thách thức đối với tỉnh vì cả hệ thống chính trị và nhân dân tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để bộ máy hành chính vận hành hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin, động lực cho DN và nhân dân cùng chung sức, chung lòng với hệ thống chính trị nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Trong đó, đẩy mạnh triển khai và thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam.

Cẩm Trúc