Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã gặp nhiều khó khăn do thị trường chung có dấu hiệu đi xuống, ảnh hưởng bởi rào cản về cơ chế chính sách, luật pháp chồng chéo, xử lý vi phạm liên quan đến đất công. Khoảng 2 tháng trở lại, dưới tác động của dịch bệnh, hàng hoạt DN cầm cự không nổi phải tìm cách giảm lương, giảm nhân sự, tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản.
Thiệt hại nặng nề
Thông tin mới nhất từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết cả nước hiện có khoảng 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực môi giới, trong đó trên 300 sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa vì chủ đầu tư không có sản phẩm để bán, khoảng 500 sàn giao dịch cắt giảm hoạt động vì dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đầu năm là dịp các DN thường tung dự án ra thị trường nhưng đến nay gần hết tháng 3 mà không có sản phẩm của DN nào được chào bán, khách hàng cũng rất ít quan tâm với nhà đất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), đánh giá tất cả DN BĐS đều bị tác động, khó khăn trong tình hình hiện nay. Các sự kiện đông người như quảng bá, tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng và BĐS cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách trả lại.
Tác động lớn từ đại dịch Covid-19 khiến các DN bị sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể bị mất thanh khoản; làm tăng chi phí đầu tư, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu; tăng khả năng DN bị nợ thuế, nợ BHXH, nợ lương người lao động và nguy cơ DN rơi vào thua lỗ, phá sản... "Thị trường BĐS đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế khó chồng khó nên các tập đoàn, DN BĐS cần nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này" - ông Châu nói.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, bản thân các DN BĐS đang phải tìm nhiều cách để tồn tại, vượt qua khó khăn, chờ hết bão Covid-19. Ông Hoàng Kim Hoài, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Phúc Điền, cho biết công ty ông đã chốt phương án và công bố việc mở bán một dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ cuối năm 2019 nhưng dịch bệnh bùng phát khiến mọi kế hoạch bán hàng gần bế tắc. Công ty phải hủy các đợt đưa khách hàng đi xem dự án và cũng không tổ chức lễ mở bán. "Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết định tăng lương và hoa hồng cho nhân viên nếu chốt được hợp đồng mua bán. Riêng khách hàng nếu mua sản phẩm sẽ được chính sách ưu đãi, giảm giá bán" - ông Hoàng Kim Hoài nói.
Trò chuyện với phóng viên, tổng giám đốc một công ty BĐS khác tại TP HCM than thở DN ông không làm được gì suốt 5 tháng qua nên đành phải giải tán khoảng 70% nhân sự, chỉ để lại nhân viên chủ chốt tầm 50 người hoạt động cầm cự khi hết dịch.
Một dự án bất động sản đang triển khai ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Kiến nghị giãn tiến độ trả nợ
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ BĐS Danh Khôi (DKRS), nhìn nhận DN có gần 400 nhân viên, dù đang gặp khó khăn, sản phẩm bán ra khó khăn nhưng không vì thế cho nhân viên nghỉ việc. Công ty đang chuẩn bị mọi việc để khi dịch lắng xuống sẽ bắt tay triển khai ngay 4 dự án mới. DKRS kiến nghị nhà nước có chính sách miễn giảm thuế như thuế thu nhập DN, BHXH cho các DN, trong đó có ngành BĐS; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm áp dụng việc giảm lãi vay để kích thích người dân đầu tư, qua đó góp sức vực dậy thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu thay mặt HoREA kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành bổ sung DN BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 6-2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đề nghị ngành ngân hàng xem xét, giãn tiến độ trả nợ vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các DN, trong đó có DN BĐS. Kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi.
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) thay mặt các DN BĐS kiến nghị ngành ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú… Như giảm 50% lãi suất trong thời gian xảy ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát; xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho DN… Đặc biệt, VNREA kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi DN đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế GTGT và lùi thời gian nộp thuế.
Doanh nghiệp nên tự tái cơ cấu
Dưới góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Trung Minh cho rằng thị trường BĐS gặp khó nhưng giá nhà đất vẫn đang ở mức rất cao so với nhu cầu và thu nhập của đại bộ phận người mua, một số DN cũng đã có thời gian dài tích lũy và mở rộng quy mô. "Do đó, thời điểm khó khăn này cũng là lúc các DN BĐS chia sẻ khó khăn với nền kinh tế; đồng thời nhìn nhận lại thị trường, phân khúc, cơ cấu lại danh mục đầu tư, những dự án nào gặp khó khăn quá có thể thu hẹp, tạm dừng, thậm chí bán bớt để dồn lực cho dự án khả thi hơn. Các DN cũng có thể tự thương lượng với ngân hàng thương mại để cơ cấu nợ trên cơ sở mối quan hệ lâu dài, chờ khi dịch đi qua, kinh tế phục hồi sẽ tiếp tục chứ không thể trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước, vì ngân sách nhà nước có hạn và rất nhiều ngành nghề trọng yếu khác đang cần giúp đỡ khẩn cấp" - TS Huỳnh Trung Minh đề xuất.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng trong bối cảnh khó khăn của thị trường BĐS do ảnh hưởng của dịch bệnh, bản thân các DN cần tự cứu mình, tìm giải pháp vượt khó, tuy vậy ít nhiều cũng cần sự đồng hành của nhà nước. Theo chuyên gia này, sự hỗ trợ tốt nhất dành cho các DN BĐS lúc này là giãn tiến độ trả nợ vay ngân hàng để khi hết dịch, DN hoạt động trở lại có thể tiếp tục trả. Ngoài ra, những đối tượng liên quan đến thị trường này cũng cần được hỗ trợ giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi vay cho người vay mua nhà để ở...
Sơn Nhung - Linh Anh