Trong lĩnh vực STEM (viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), càng lên cao hơn, thì lại càng ít phụ nữ. Dù là trong giáo dục hay công sở, tỷ lệ phụ nữ trong STEM giảm mạnh ở cấp cao nhất.
Theo số liệu của UNESCO, hiện chỉ có khoảng 30% tổng số nữ sinh viên đại học chọn theo học các ngành STEM, viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. Nhìn vào các giải thưởng uy tín nhất như giải Nobel chẳng hạn, 199 người đoạt giải Nobel về vật lý, chỉ có 2 là nữ và không có ai từ châu Á.
Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) cho biết, mặc dù cả trẻ em gái lẫn trẻ em trai đều có tiềm năng theo đuổi những hoài bão của mình trong lĩnh vực khoa học và toán, song ở trường học và nơi làm việc, tình trạng phân biệt đối xử một cách có hệ thống dẫn đến thực tế là phụ nữ chiếm chưa tới 30% số công việc nghiên cứu khoa học, công nghệ và sáng tạo trên toàn cầu, mặc dù phụ nữ chiếm gần một nữa dân số thế giới.
Một nghiên cứu Girls in STEM của Mastercard năm 2017 cho thấy, 30% trẻ em gái từ 17-19 tuổi tại châu Á/TBD nói rằng, các em sẽ không theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM mặc dù đang theo học trong ngành này.
Theo nghiên cứu của UNESCO Bangkok, phụ nữ làm việc trong STEM thường tập trung ở cấp thấp hơn với công việc bất ổn định hơn. Tại Hàn Quốc, một số ít phụ nữ được bổ nhiệm với hợp đồng lâu dài trong khoa học và công nghệ chỉ chiếm 19 % – trái ngược với 81 % là nam giới. Không chỉ giới hạn với sự thăng tiến đến vị trí cao hơn, nhưng những người có trách nhiệm gia đình thường chọn không tiếp tục sự nghiệp của họ do các cơ sở chăm sóc trẻ bị hạn chế cũng như cơ hội phát triển kỹ thuật và kĩ năng sau khi trở về từ kì nghỉ sau sinh nở.
Đã tới lúc cần phải ủng hộ cho những phụ nữ và bé gái muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM
Tương lai sẽ được định hình bởi những tiến bộ khoa học và công nghệ, và những tiến bộ đó sẽ đạt mức cao nhất nếu như khai thác được đầy đủ tài năng, sức sáng tạo và ý tưởng của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực khoa học.
Một trong những công cụ chính để giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới là gỡ bỏ những rào cản đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nhà, trong lớp học và tại nơi làm việc. Điều này đòi hỏi sự hợp sức của chính quyền cũng như các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ nhập học của sinh viên nữ ở bậc đại học của Việt Nam tăng từ 30,29% lên 52,49% từ năm học 2012-2013 đến năm học 2013-2014, nhưng sinh viên nữ vẫn thường chú trọng nhiều đến ngành sư phạm, xã hội nhân văn và nghệ thuật, trong khi đó sinh viên nam thường có xu hướng theo học các ngành về kỹ thuật, sản xuất và xây dựng.
Chương trình Tăng cường giáo dục STEM cho trẻ em gái khu vực châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương hiện đang được các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp triển khai giai đoạn đầu tại Việt Nam.
GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện KHGDVN, đã lên tiếng ủng hộ từ phía Viện, cơ quan nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, trong việc tích hợp giáo dục STEM cho trẻ em gái bằng việc tranh thủ các mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Viện với các tổ chức quốc tế, các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu khác.
Về phía doanh nghiệp, Mastercard đã cam kết đem lại cơ hội giáo dục trong lĩnh vực STEM cho 200,000 trẻ em gái từ 10-13 tuổi trước năm 2020 trong chương trình Girls4Tech của mình.
Được phát động vào năm 2014, chương trình giáo dục này của Mastercard được các kỹ sư và chuyên gia công nghệ hàng đầu của công ty phát triển nhằm giảng dạy các kiến thức về STEM cho thế hệ trẻ tương lai.
“Là một công ty công nghệ, Mastercard nhận thấy rằng việc tiếp cận những cơ hội và sự hỗ trợ thích hợp có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM,” bà Georgette Tan, Phó Chủ tịch cấp cao, bộ phận truyền thông, Mastercard châu Á/TBD chia sẻ.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng những hỗ trợ từ trường học và tiếp xúc sớm với các lĩnh vực STEM có thể tác động tích cực đến việc tham gia vào các lĩnh vực này của trẻ em gái. Với chương trình Girls4Tech tại châu Á/TBD, chúng tôi hy vọng có thể khơi dậy niềm đam mê vào lĩnh vực STEM, và khơi nguồn cảm hứng cho việc theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực này của phụ nữ và các trẻ em gái.”
H. Minh