Theo Quyết định, dữ liệu cốt lõi là những dữ liệu có tác động trực tiếp đến các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng khi bị thu thập, sử dụng trái phép. Dữ liệu quan trọng là tập hợp bao gồm 26 loại dữ liệu cốt lõi cùng với 17 loại dữ liệu khác có giá trị chiến lược về quản lý nhà nước, an ninh và phát triển bền vững.
Danh mục dữ liệu cốt lõi bao gồm các nội dung đặc biệt nhạy cảm như:
Dữ liệu về biên giới, chủ quyền lãnh thổ chưa công khai
Dữ liệu liên quan đến chiến lược, dự án khoa học – công nghệ trong quốc phòng, an ninh
Dữ liệu về công trình quân sự, quy hoạch tần số vô tuyến điện, chiến lược an ninh mạng
Dữ liệu cán bộ, tổ chức Đảng, dân tộc – tôn giáo, thông tin đối ngoại chưa công khai
Dữ liệu về tài nguyên chiến lược như nước, khoáng sản quý hiếm, không gian địa lý trọng yếu
Dữ liệu về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, kế hoạch phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Dữ liệu về y tế, tổ chức – công dân chưa công khai, các hoạt động đặc thù của lực lượng vũ trang
Ngoài ra, dữ liệu liên quan đến lĩnh vực tài chính, dự trữ quốc gia, hoạt động đầu tư mua sắm trong an ninh – quốc phòng, hoạt động của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài... cũng nằm trong danh mục này.
![]() |
Danh mục 26 dữ liệu cốt lõi và 43 dữ liệu quan trọng |
Bên cạnh 26 loại dữ liệu cốt lõi, Chính phủ còn xác định thêm 17 nhóm dữ liệu quan trọng khác như:
Dữ liệu về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng
Dữ liệu điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm hành chính
Dữ liệu trong các lĩnh vực: nội vụ, giao thông, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ
Dữ liệu về bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, an toàn sinh học, nông nghiệp – phát triển nông thôn
Dữ liệu liên quan đến tác phẩm, quyền sở hữu trí tuệ do Nhà nước đại diện
Dữ liệu về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước
Đáng chú ý, dữ liệu về tổ chức và công dân chưa công khai cũng được xếp trong cả hai danh mục.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc thực hiện Quyết định trên phạm vi toàn quốc; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, đề xuất sửa đổi danh mục phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đối với các dữ liệu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện phân loại, bảo vệ dữ liệu theo danh mục được ban hành, phối hợp với Bộ Công an trong quá trình rà soát và đề xuất cập nhật danh mục khi cần thiết.
Việc ban hành danh mục dữ liệu cốt lõi và dữ liệu quan trọng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực quản trị dữ liệu quốc gia, bảo vệ tài nguyên số, đồng thời tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động số hóa và chuyển đổi số.