Tesla kiếm hàng tỷ USD lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon |
Cơ hội đan xen cùng thách thức
Đề xuất nêu rõ, các tín chỉ carbon quốc tế sẽ được áp dụng để bù đắp cho lượng phát thải từ năm 2036. EU sẽ chỉ định các tiêu chí về chất lượng và nguồn gốc cho tín chỉ carbon quốc tế cũng như thông tin chi tiết về cách thức mua.
Đề xuất này được những người ủng hộ nhấn mạnh, tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng để huy động tiền cho các dự án giảm phát thải carbon ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
![]() |
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn trong tạo ra tín chỉ carbon. Ảnh minh họa |
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc tạo ra tín chỉ carbon, đặc biệt ở lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, năng lượng tái tạo và giao thông xanh. Ví dụ, rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) có thể tạo ra từ 1 - 5 triệu tín chỉ carbon mỗi năm; 86.780 ha cao su và 105.000 ha cà phê canh tác bền vững có thể cung cấp lần lượt từ 800.000 - 1,5 triệu và 105.000 - 525.000 tín chỉ/năm…
Tuy nhiên, theo các báo cáo chuyên ngành mới nhất, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống đo đạc và báo cáo thẩm tra (MRV) đạt chuẩn quốc tế - một yêu cầu bắt buộc nếu muốn tham gia vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế hoặc tuân thủ Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới của EU (CBAM).
Tại báo cáo kỹ thuật do Energy Transition Partnership phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam thực hiện tháng 5/2025, chỉ khoảng 32% doanh nghiệp có tiến hành kiểm kê phát thải và chưa đến 11% có báo cáo được thẩm tra bởi tổ chức kiểm toán khí nhà kính độc lập, một điều kiện tối thiểu để dữ liệu phát thải được EU chấp nhận trong CBAM hoặc các cơ chế quốc tế như Điều 6 của Thỏa thuận Paris.
Hơn thế, phần lớn tín chỉ carbon do các quốc gia đang phát triển phát hành, bao gồm Việt Nam, chưa đáp ứng được các yêu cầu về kiểm toán độc lập, minh bạch dữ liệu và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, quá trình hình thành thị trường carbon nội địa của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thí điểm và thiếu các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về việc chuyển nhượng tín chỉ ra thị trường quốc tế; việc rà soát, kiểm kê, giám sát hấp thụ CO₂ còn hạn chế; kinh phí thực hiện dự án đánh giá carbon lớn, trong khi chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể; quy trình kiểm toán độc lập và xác thực tín chỉ carbon chưa được thiết lập rõ ràng… Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt, dù có dự án giảm phát thải vẫn sẽ gặp nhiều rào cản trong việc đưa tín chỉ vào chuỗi giá trị quốc tế.
Đẩy mạnh hợp tác để tối ưu lợi ích
Chính phủ hiện đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon và đang hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai. Theo quy định, thị trường carbon Việt Nam bao gồm hai hợp phần: Thị trường bắt buộc (trao đổi hạn ngạch phát thải) và thị trường tự nguyện (trao đổi tín chỉ carbon).
Giai đoạn 2025-2026, các cơ sở nhiệt điện, sản xuất sắt thép, xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch và tham gia trao đổi trên thị trường và thị trường tự nguyện, còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ carbon.
Các dự án tạo tín chỉ carbon trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đăng ký, báo cáo trên hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, để từ sau 2028 có thể kết nối với thị trường quốc tế.
Song song đó, doanh nghiệp, tổ chức trong nước được khuyến khích phát triển tín chỉ theo cơ chế tự nguyện, giao dịch theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để tín chỉ được công nhận và giao dịch, các dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn kỹ thuật, pháp lý với hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra, xác minh minh bạch. Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ chuyên môn, pháp lý để doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường thí điểm trong năm nay.
Về phía doanh nghiệp, đây không chỉ là một cơ chế góp phần giải quyết bài toán môi trường, mà còn mở ra vô vàn cơ hội cho doanh nghiệp muốn khẳng định trách nhiệm xã hội, nâng cao hình ảnh thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và người tiêu dùng, thậm chí tạo ra lợi thế cạnh tranh mới.
Mới đây, Công ty cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược với Global Carbon Council (GCC), nhằm đánh giá và kiểm định tín chỉ carbon, đảm bảo chất lượng, tính minh bạch cho các giao dịch trên sàn CCTPA.
Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC Tân Thuận) cũng cùng CCTPA tiên phong triển khai các dự án điện mặt trời áp mái và mô hình khu công nghiệp xanh bền vững.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng cùng CCTPA thực hiện đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện. Hai bên đồng thời phối hợp triển khai thí điểm dự án tín chỉ carbon ngay tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm tạo tiền đề cho những bước tiến lớn trong thị trường carbon tự nguyện.
Thị trường carbon tự nguyện là đòn bẩy để Việt Nam thúc đẩy đổi mới công nghệ và chuyển đổi xanh. Để khai thác hiệu quả thị trường carbon tự nguyện, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giảm rào cản và tối ưu hóa lợi ích.