Tesla kiếm hàng tỷ USD lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon |
Năm 2024, doanh thu từ bán tín chỉ carbon của hãng xe Tesla tăng gấp rưỡi, nhờ các hãng xe xăng đẩy mạnh mua vào để kịp đáp ứng quy định khí thải khắt khe của EU có hiệu lực từ năm nay.
Cụ thể, theo Carbon Credits, Tesla của tỷ phú Elon Musk ghi nhận doanh thu từ tín chỉ carbon đạt 2,76 tỷ USD trong năm 2024, tăng 54% so với năm trước.
Tín chỉ carbon là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, cho phép người nắm giữ quyền phát thải 1 tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Theo lộ trình giảm thải với phương tiện giao thông của Liên minh châu Âu (EU), từ năm 2025, mức phát thải carbon từ ôtô phải giảm gần 24% so với giai đoạn 2019-2023, xuống 93,6g CO2 trên mỗi km. Trong 10 hãng xe lớn nhất thế giới (trừ Tesla), có 9 nhà sản xuất không đạt tiêu chuẩn này, theo chuyên trang Carbon Credits. BMW, Kia, Stellantis cần cắt giảm 9–11%. Trong đó, các xe Volkswagen và Ford cách ngưỡng quy định xa nhất, ở mức 21%.
Ông Luca De Meo, Tổng giám đốc Renault ước tính quy định này có thể khiến các nhà sản xuất ôtô châu Âu thiệt hại 15 tỷ euro (tương đương 15,6 tỷ USD).
Mua tín chỉ carbon là một giải pháp khi không đáp ứng được quy định giảm thải. Điều này giúp bên bán tín chỉ, chủ yếu là hai nhà sản xuất xe điện Tesla và Polestar, đạt thêm lợi ích kinh tế bên cạnh môi trường.
Trong khi các hãng xe xăng và hybrid phải mua tín chỉ carbon, Tesla lại kiếm lợi nhuận từ việc bán xe điện không phát thải. Do không mất chi phí sản xuất cho loại hàng hóa này, Tesla hưởng trọn biên lợi nhuận, biến tín chỉ carbon thành nguồn thu đáng kể.
Từ năm 2017 đến nay, Tesla thu hơn 10,4 tỷ USD từ giao dịch tín chỉ carbon. Trái với dự báo rằng doanh thu từ loại hàng hóa này sẽ giảm khi các hãng xe đẩy mạnh sản xuất xe điện, doanh thu của Tesla liên tục lập kỷ lục mới từ năm 2022 và đặc biệt tăng đột biến trong năm 2024.
Nguyên nhân chính đến từ tốc độ chuyển đổi chậm của các hãng xe truyền thống. Dù Ford và General Motors đã đầu tư mạnh vào xe điện, nhiều nhà sản xuất vẫn phụ thuộc vào tín chỉ để đáp ứng quy định khí thải tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Trong lúc này, Stellantis cam kết đầu tư 30 tỷ euro vào điện khí hóa và phần mềm. Còn Mercedes đặt mục tiêu trung hòa carbon với tất cả mẫu xe mới từ năm 2039, vận hành các nhà máy không phát thải từ năm 2022 và kỳ vọng xe điện chiếm 50% doanh số vào 2030.
Giới phân tích dự báo khi ngày càng nhiều nhà sản xuất ôtô đầu tư vào xe điện, các thỏa thuận hợp tác giao dịch tín chỉ có thể giảm bớt, kéo theo giảm nguồn thu của Tesla. Tuy nhiên, với các quy định ngày càng nghiêm ngặt trên thế giới, EU lên kế hoạch cấm bán xe xăng và dầu diesel mới vào 2035, nhu cầu về tín chỉ carbon được dự báo vẫn gia tăng thời gian tới.
Trong một động thái khác, hãng xe điện Tesla đã khởi đầu năm 2025 không mấy suôn sẻ khi doanh số giảm mạnh tại 5 thị trường lớn ở châu Âu là Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy và Hà Lan.
Theo dữ liệu công bố ngày 4/2, doanh số của Tesla tại Anh giảm gần 12% trong tháng 1 vừa qua, trong khi thị trường xe điện (EV) nói chung của nước này lại lập kỷ lục tăng trưởng. Sự sụt giảm trên không chỉ diễn ra tại Anh mà còn lan rộng khắp châu Âu, cụ thể tại Pháp giảm 63%; tại Thụy Điển giảm 44%; tại Na Uy giảm 38%; tại Hà Lan giảm 42%.
Tại Mỹ, Tesla cũng ghi nhận mức giảm 12% ở California - thị trường ô tô lớn nhất “Xứ Cờ hoa” với hơn 1,7 triệu xe đăng ký trong năm 2024. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên Tesla ghi nhận sự sụt giảm doanh số hàng năm, dù hãng vẫn là nhà sản xuất EV số 1 tại Mỹ.
Theo giới phân tích, một trong những lý do khiến người tiêu dùng quay lưng với Tesla được cho là ảnh hưởng từ các hoạt động chính trị của Giám đốc điều hành (CEO) hãng này – ông Elon Musk. Bên cạnh đó, một số chuyên gia lại cho rằng Tesla đang bị bỏ lại phía sau không chỉ vì ông Musk, mà còn vì hãng này thiếu sự đổi mới về sản phẩm.