Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh |
Những tín hiệu tích cực
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2023.
Mới đây, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Uỷ ban cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) – thông tin, đến 73% người tiêu dùng tại các đô thị sẽ tìm kiếm thông tin trực tuyến trước khi đưa ra quyết định mua sắm, là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người tiêu dùng ngày càng trở nên thông thái hơn, biết sử dụng công cụ sẵn có, đặc biệt các nền tảng thương mại điện tử và công nghệ thông tin để đánh giá, nhận định ban đầu về sản phẩm, dịch vụ trước khi quyết định mua.
![]() |
Doanh nghiệp cần thay đổi sản xuất để có trách nhiệm trong tiêu dùng bền vững. Ảnh minh họa |
Chia sẻ tại Diễn đàn Tiêu dùng Bền vững năm 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh", diễn ra chiều qua 2/7, các chuyên gia có chung nhận định, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên xanh, nơi giá trị kinh tế không thể tách rời giá trị môi trường và xã hội. Trong bối cảnh đó, tiêu dùng bền vững không còn là lựa chọn mang tính đạo đức, mà đã trở thành một trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia.
“Chúng ta đều biết rằng mỗi hành vi tiêu dùng dù nhỏ đều để lại dấu vết. Dấu vết đó có thể là khí nhà kính, rác thải nhựa, lãng phí thực phẩm, hay suy giảm tài nguyên. Nhưng cũng có thể nếu chúng ta hành động đúng là dấu vết của sự thay đổi tích cực; Là những sản phẩm có vòng đời dài hơn, ít rác thải hơn, công bằng hơn, và mang theo trách nhiệm với cộng đồng”, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.
Những năm qua, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh, thông qua: Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 về Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030; Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10/2021 về Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn 2050. Và mới đây là Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới toàn diện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – tạo nền tảng cho một hệ sinh thái tiêu dùng thông minh, sáng tạo và có trách nhiệm.
Nhưng để các chiến lược này đi vào cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần làm cho tiêu dùng bền vững trở nên dễ tiếp cận, dễ thực hiện và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nói cách khác, chuyển “tiêu dùng xanh” từ lý tưởng thành lối sống phổ biến, từ khẩu hiệu thành hành vi hàng ngày.
Doanh nghiệp phải chuyển đổi để cạnh tranh
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh đang là một xu hướng tất yếu. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau. Đây là tín hiệu tích cực nhưng cũng là áp lực lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không kịp thời chuyển mình, họ dễ bị loại khỏi cuộc chơi vì không đáp ứng được kỳ vọng mới từ thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất bền vững, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm thiểu bao bì nhựa và phát triển sản phẩm có chứng nhận xanh…
Tuy nhiên, sản xuất xanh cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, như: Chi phí đầu tư ban đầu lớn, quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu… khiến nhiều đơn vị còn e ngại. Do đó, không ít doanh nghiệp chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ, việc theo đuổi sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là một hành trình lâu dài, tốn kém, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt tạo dựng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Trong tương lai, tiêu chí xanh sẽ trở thành “giấy thông hành” cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền - CEO Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam -Vinasamex (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị và tinh dầu hữu cơ) đã có so sánh: “Giá trị hữu hình có thể 500 tỷ đồng, nhưng giá trị vô hình của doanh nghiệp có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng”.
Với vai trò là cơ quan thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tin tưởng, trong vòng 1–2 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm Việt Nam mang thương hiệu xanh, hữu cơ, bền vững được người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Và chính người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn, đặc biệt là với những sản phẩm có giá trị cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống.
.