Bài toán đơn giản hóa thủ tục cho ngành nông nghiệp

18:05 12/01/2022

Đơn giản hóa thủ tục để ngành nông nghiệp phát triển vẫn là bài toán khó.

Hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn ra chiều 11/1, ông Nguyễn Xuân Ân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ này, cho biết triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Bộ đã thực hiện kết nối 29/33 thủ tục hành chính tại 7 đơn vị thuộc Bộ.

Điện tử hóa gần 160 thủ tục hành chính trong nông nghiệp

"Đến nay, Bộ đã cấp phép điện tử hơn 1,4 triệu hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Dự kiến trong quý 1/2022 sẽ hoàn thành kết nối 100% các thủ tục hành chính thực hiện trên cổng thông tin một cửa quốc gia", ông Ân thông tin.

Đánh giá lại năm 2021, ông Nguyễn Xuân Ân cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; thủy lợi; trồng trọt; chăn nuôi. Bộ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về thủy sản.

Nhiệm vụ "điện tử hóa", số hóa các thủ tục hành chính cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhanh. Nhiều quy định, thủ tục hành chính đã được cập nhật trên phần mềm, nên việc tra cứu trở nên dễ dàng thuận tiện hơn nhiều so với trước.

Bộ đã tích hợp giải pháp chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ vào phần mềm xử lý chuyên ngành cho các đơn vị xử lý nghiệp vụ; xây dựng 26 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến giúp giải quyết hơn 13.000 hồ sơ.

Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cập nhật, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 119 thủ tục hành chính; công bố bãi bỏ 58 thủ tục hành chính.

Đồng thời rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh là 429/2.559 quy định, đạt 16,76%; cắt giảm 13,2% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ

Cùng với đó, năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát 443 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 96 văn bản; trong đó có 62 văn bản do Bộ chủ trì xây dựng. Bộ cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 44 văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngành nông nghiệp.

Nhập dữ liệu vẫn còn chậm

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những văn bản pháp quy của Bộ cùng với 9 Luật chuyên ngành do Bộ quản lý đã bước đầu đáp ứng sự tương thích với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do và đảm bảo quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức cũng như quản lý ngành.

Năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đánh giá thêm tác động của các văn bản quy phạm pháp luật Bộ ban hành trong việc tạo hành lang, pháp lý cho phát triển ngành cũng như tái cơ cấu.

“Với 9 luật chuyên ngành, cần có đánh giá để kịp thời có đề xuất sửa đổi, bổ sung bởi một số luật đã cho thấy không có sự tương thích với thực tế triển khai, điển hình như Luật Trồng trọt... Các đơn vị cần khắc phục tình trạng chậm, chất lượng thấp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, ông Nam nhấn mạnh.

Đề cập vấn đề sắp xếp các công ty nông lâm trường còn chậm, ông Nguyễn Văn Nam cho biết, do Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp chưa được sửa đổi. Bộ đang nghiên cứu đề xuất để sửa đổi trong năm 2022 với 10 điều cần sửa đổi.

Đại diện Cục Kiểm soát hành chính của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ, qua kiểm tra thực tế, nhận thấy lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đang phải chịu rất nhiều văn bản chứng nhận. Các hộ nuôi trồng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh môi trường... "01 hộ nuôi trồng mà phải làm quá nhiều thủ tục. Chưa kể, các hộ nuôi thuỷ sản còn phải đáp ứng nhiều quy định của các bộ ngành khác nữa", vị đại diện này phản ánh.

Theo đó, việc nhập dữ liệu lên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉ lệ giải quyết cao nhất là tháng 3, đạt hơn 37,9%; thấp nhất là tháng 7 thực hiện hơn 26%. Như vậy, đến thời điểm này nhiều hồ sơ, thủ tục giải quyết chưa đạt tiến độ đề ra. Thậm chí một số lĩnh vực chưa nhập được dữ liệu gì.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết việc cải cách thủ tục hành chính của Bộ hiện liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, từ giống cây trồng vật nuôi, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, xử lí môi trường, vận chuyển, giết mổ... Vì vậy, cải cách hành chính cần đòi hỏi nhanh hơn, chính xác hơn.

“Đừng để cán bộ dùng cái máy tính mà khởi động mãi vẫn chưa chạy nổi. Không đầu tư, thì sao mà chuyển đổi số nhanh được? Làm sao mà dịch Covid làm việc ở nhà, làm việc trực tuyến mà mọi việc vẫn trơn tru", Thứ trưởng nhấn mạnh..

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải thể chế hoá, có kế hoạch riêng cho từng quý, từng tháng chứ không phải "nói xong để đấy".

Đối với vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Tiến đề nghị 2 ngành chăn nuôi và trồng trọt đẩy mạnh việc triển khai môi trường số. Để làm được điều đó,  cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị và cần mời những tập đoàn công nghệ lớn tham mưu.

“Phải sớm triển khai Đề án chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chuyển đổi số phải đi vào thực tế, cụ thể hóa tới từng công trình, từng kế hoạch”, Thứ trưởng yêu cầu, đồng thời kỳ vọng sẽ xây dựng được môi trường lành mạnh, kết nối với hệ sinh thái doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại..., nhằm tạo bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp.

Hoàng Ngọc