Bài 2: Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tìm “con đường mới” trong đại dịch COVID-19

16:55 29/03/2021

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và các chuỗi giá trị toàn cầu kết nối, phụ thuộc lẫn nhau, sự lan truyền của dịch COVID-19, nhiều DN ngành CNHT đã chuyển hướng tiêu thụ trong nước.

Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy

Công nghiệp hỗ trợ là ngành quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước. Theo thống kê của Bộ Công Thương, số DN đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang chiếm khoảng 5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong số này, một số DN sản xuất linh phụ kiện, nguyên phụ liệu đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và quốc tế, tuy nhiên, còn nhiều DN vẫn thiếu và yếu về quy mô và năng lực, các sản phẩm chủ yếu là linh phụ kiện đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Chính vì thế, nhiều DN công nghiệp phụ trợ chia sẻ, cơ hội trước mắt nhưng nhiều mặt hàng khó có thể sản xuất được do thiếu máy móc, trình độ nhân công chưa cao. 

Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ thị trường nhập khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất. Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam & Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, tại Việt Nam: 60% vải nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc; 42% linh kiện điện tử phải nhập từ Hàn Quốc; hơn 64% phụ tùng, linh kiện ô tô phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản). Vì vậy, khi dịch COVID-19 leo thang tại Trung Quốc, Hàn Quốc, rất nhiều nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị gián đoạn. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu đang khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu để tìm cách giải bài toán gián đoạn nguồn cung – một thách thức không những trong giai đoạn dịch bệnh mà còn cho tương lai sản xuất bền vững.

Đánh giá về ngành CNHT, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau nhiều năm nỗ lực phát triển, đến nay, năng lực của ngành CNHT vẫn hạn chế, chưa như kỳ vọng. Quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt cũng chậm, kém hiệu quả. Điều đó thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết, khi rất nhiều DN rơi vào tình cảnh khốn đốn, khó khăn vì thiếu nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất vì đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng khiến việc kết nối với các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu bị gián đoạn.

Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng – đánh giá, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh và năng lực của DN CNHT trong nước còn thấp; đổi mới trang bị, công nghệ chậm, thiếu sự hợp tác liên kết và cung ứng cho DN FDI còn rất hạn chế, phần lớn chỉ sản xuất theo các hợp đồng nhỏ lẻ. Thực tế đó cũng chính là lý do trong nhiều năm qua, DN FDI thường tìm đến hợp tác nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị từ đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, DN CNHT đang đứng trước thời cơ thuận lợi để phát triển bứt phá. Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng tạo ra “con đường mới” cho các DN CNHT trong nước. “Sau khi các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bị tạm dừng sản xuất vì dịch bệnh thì đến nay, DN FDI đang tính đến phương án tìm đối tác trong nước. DN trong nước cần tận dụng để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khẳng định chỗ đứng trong chuỗi cung ứng này” – ông Trương Thanh Hoài nhận định.

Chủ động nâng cao nội lực, nắm bắt cơ hội

Theo các chuyên gia kinh tế cho biết, do phụ thuộc nguồn cung cấp các thiết bị phụ trợ, nguyên nhiên phụ liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… bị tạm dừng vì đại dịch Covid-19, nhiều nhà sản xuất công nghiệp các lĩnh vực tại Việt Nam đã mở rộng tìm kiếm nguồn cung thiết bị, nguyên nhiên phụ liệu từ các doanh nghiệp phụ trợ trên khắp mọi vùng miền dải đất hình chữ S cũng như các quốc gia khác. 

Tại Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn trên cả nước - nơi có các nhà máy, khu công nghiệp lớn nhỏ, khi diễn biến dịch bệnh còn kéo dài, một số DN cho biết đã lên kế hoạch chuyển hướng tìm thêm nguồn cung ở những thị trường ngay tại Việt Nam,… Ở lĩnh vực sản xuất dệt may, Da giày, điện tử, nhựa…, nhiều DN mong muốn tìm mọi cách để thoát cảnh đói nguyên liệu. Một doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp chế biến cho hay, bên cạnh việc mở rộng nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng tôi đặt hàng doanh nghiệp trong nước…Với tình thế đó cho thấy, đây chính là dịp tốt để các đơn vị, doanh nghiệp phụ trợ tận dụng cơ hội khẳng định mình về mọi mặt hoặc tích lũy kinh nghiệm, đánh giá lại mình, hoàn thiện nhanh chóng các khâu sản xuất nhằm hòa nhập, tăng khả năng cạnh tranh khi có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT chịu tác động gián tiếp trong cung ứng trang thiết bị, máy móc hoặc sản xuất linh phụ kiện phục vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài, chia sẻ về những khó khăn và hành trình “vượt bão” COVID-19, ông Nguyễn Đức Trung – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí chính xác HBT chia sẻ: năm 2020, khi COVID-19 xảy ra thì hầu như các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, cả trực tiếp và gián tiếp.

Dịch bệnh COVID-19 làm nền kinh tế cả nước bị thiệt hại nhiều mặt, trong đó chuỗi giá trị bị "đứt gãy" khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc. Đặc biệt, việc tìm kiếm đối tác mới, nguồn cung nguyên phụ liệu mới… cũng không phải dễ dàng trong “một sớm một chiều". Việc đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu trong 1 giai đoạn đã kéo theo sự tụt giảm doanh thu của công ty. Rất nhiều trang thiết bị máy móc đã được đầu tư nhưng không thể đưa vào khai thác, sản xuất hết công suất. Công ty Cổ phần cơ khí chính xác HBT cũng rơi vào tình trạng bị “khát” đơn hàng và cùng với đó là chi phí vận tải tăng cao do thiếu nguồn container.

Trước tình hình trên, Công ty Cổ phần cơ khí chính xác HBT đã chủ động chuẩn bị những kịch bản ứng phó để hạn chế tối đa tác động tới sản xuất kinh doanh, dự phòng trường hợp dịch bệnh có thể kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của khách hàng cũng như vận chuyển hàng hóa trong & ngoài nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Điển hình như công ty đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho sản xuất từ các thị trường khác, nhất là ở những nước tương đối phát triển, để có nguồn nguyên liệu tốt. Bên cạnh việc tìm nguyên liệu ngoại nhập, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc tạo nguồn cung ứng sản phẩm trong nước, hợp tác với nhau để tạo đầu vào cho sản xuất…

Dự báo sang năm 2021, với tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát ở Việt Nam và trên thế giới, sản xuất toàn cầu sẽ trở lại. Để chuẩn bị cho giai đoạn đó, Công ty Cổ phần cơ khí chính xác HBT sẽ tiếp tục tập trung đầu tư máy móc, nhân sự, đào tạo để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Bởi DN khi đạt được quy chuẩn đó, không chỉ thị trường trong nước mà ngay tại nước ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều trong tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, năm 2021 dù khó khăn, nhưng có lẽ vẫn được xem là một năm nhiều kỳ vọng với ngành CNHT.

Hiện nay, mặc dù chiến lược, chính sách phát triển ngành CNHT đã cơ bản được hoàn thiện, đầy đủ. Nhưng hiện nay, các DN CNHT vẫn đang gặp nhiều rào cản do việc thực thi chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, chồng chéo. Nhiều DN trong ngành phản ánh chi phí để họ tiếp cận chính sách còn nhiều hơn cả lợi ích được hưởng, do đó họ chưa thực sự mặn mà với chính sách.

Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc này, nước ta cần đảm bảo chính sách minh bạch, đơn giản, dễ áp dụng cho DN. Đồng thời các quy định đưa ra phải đảm bảo tính đồng bộ, có khung giám sát để đánh giá hiệu quả; nhanh chóng có những giải pháp kết nối hiệu quả cho DN CNHT trong nước với các doanh nghiệp FDI.

Gia Minh