“Làm mới” chính mình
Đại dịch Covid -19 làm thay đổi nhiều hình thức và xu hướng du lịch. Các tua du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ, du lịch ngắn ngày sẽ được ưu tiên lựa chọn. Bởi chúng giúp bảo đảm các yếu tố an toàn sức khoẻ, tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn trong các tình huống bất ngờ. Xu hướng du lịch chuyển từ những nơi phồn hoa, đô hội, nhiều trung tâm thương mại sang những vùng quê, gần gũi với thiên nhiên. Nắm bắt xu thế thị trường du lịch, doanh nghiệp Thanh Hóa đã nỗ lực “làm mới” chính mình.
Thanh Hóa là tỉnh có thế mạnh để phát triển loại hình du lịch gắn với thiên nhiên. Đặc biệt là du lịch biển và du lịch sinh thái cộng đồng. Với lợi thế đó, khi dịch bệnh lắng xuống, du lịch Thanh Hóa sẽ trở thành “cứu cánh” cho doanh nghiệp du lịch tỉnh nhà.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch cũng như bắt kịp xu thế, các doanh nghiệp tỉnh Thanh đã rất chủ động, bằng nội lực để "vượt bão" Covid-19 thông qua việc đưa ra phương án, chiến lược kinh doanh mới phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) lúc chưa xuất hiện dịch Covid-19 có tới 80- 90% khách quốc tế. Đến năm 2020, vị khách không mời mang tên vi rút cô rô na xuất hiện, khách quốc tế tại Khu du lịch Pù Luông giảm mạnh chỉ còn 10-20% (chủ yếu là người nước ngoài học tập, sinh sống và làm việc tại Việt Nam), còn lại doanh thu chủ yếu là khách nội địa (chiếm 80-90%). Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, khu Du lịch cộng đồng Pù Luông đã tạm dừng đón khách.
Ông Cao Kim Kiên, chủ kinh doanh du lịch Pù Luông Natura, cho biết: “Phương châm kinh doanh của doanh nghiệp là sản phẩm du lịch phải tốt hơn ngoài mong đợi để mang đến sự ngạc nhiên, vui vẻ và thoải mái cho khách hàng. Tham quan du lịch mang đến cho du khách những giá trị về tinh thần, cảm xúc, sự trải nghiệm chứ không phải là món quà vật chất. Là người làm và yêu du lịch hơn cả bản thân, tôi nhận thấy việc phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch, phù hợp với nhu cầu của thị trường và khách du lịch là yêu cầu bức thiết khi dịch bệnh được khống chế”.
Xuất phát từ quan điểm đó, mùa du lịch năm 2021, ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng thêm một trang trại thiên nhiên rộng 1,5 ha. Trang trại thiên nhiên này nuôi những động vật có thể tương tác được với khách tham quan như: nhím, ngỗng, dê, thỏ, lợn rừng,… kết hợp với các trò chơi dân gian, sinh hoạt cộng đồng cả đêm lẫn ngày. Khu vui chơi này nằm trong quần thể Pù Luông Natura, chủ yếu phục vụ trọn gói khách của trung tâm. Ngoài ra, Khu du lịch Pù Luông Natura của ông Kiên cũng vừa đầu tư hơn 500 triệu đồng để làm hệ thống xử lý nước thải vi sinh đạt loại B. Hệ thống này sẽ đưa dòng nước thải sinh hoạt không màu, không mùi, đảm bảo yếu tố môi trường ra thiên nhiên.
Được biết, cả hai công trình đầu tư mới này ông Kiên đều là người đi đầu lại Pù Luông. Mục đích mang đến cho khách du lịch những dịch vụ nghỉ dưỡng mới lạ, hấp dẫn, gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường.
Cũng nằm trong chiến lược kinh doanh mới, kích cầu du lịch do khó khăn của dịch bệnh Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh thuộc khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa đã xây dựng đề án phát triển du lịch Bè mảng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hán Thành Tuấn, đại diện công ty cho biết:
“Chúng tôi đang xây dựng và trình Sở Văn hóa - Thể Thao – Du lịch đề án du lịch Bè mảng. Nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo Sở, Hiệp hội Du lịch tỉnh, chúng tôi đã đấu mối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm đóng tàu ở miền Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng mời họ về Thanh Hóa trực tiếp khảo sát, nghiên cứu mô hình này. Công ty đã mời ông Lường Viết Lợi (Sầm Sơn), người rất am hiểu về mô hình bè mảng của Thanh Hóa chủ trì khi thực hiện dự án”.
Để đề án đi vào thực tế, ban đầu Công ty đã phối hợp với một nhóm thợ đóng bè luồng chuyên nghiệp của xã Hoằng Trường đóng 2 chiếc bè mảng thử nghiệm, mỗi chiếc trị giá khoảng 100 triệu đồng. Vật liệu bè mảng làm bằng luồng, gỗ và cước buộc thủ công. Những chiếc bè mảng này gần như không có kim loại để chống gỉ và tạo sự thân thiện với môi trường. Nếu không vì dịch bệnh thì hai chiếc bè mảng thử nghiệm này đã được vận hành vào dịp khai trương du lịch biển Hải Tiến năm 2021.
Những chiếc bè mảng này sẽ đưa du khách đến các điểm tham quan sâu trong đất liền qua sông Mã, sông Lạch Trường, quần thể chùa Bụt, cảng cá Hòa Lộc, rừng ngập mặn Hoằng Châu, đảo Nẹ. Xa hơn nữa là ý tưởng phát triển du lịch bè mảng vượt Thái Bình Dương.
“Xuất phát từ quan điểm mình là người Thanh Hóa mình phải phát huy được thương hiệu mang hồn cốt quê hương, đặc trưng của người miền biển. Đây là mô hình du lịch cộng đồng. Nếu đề án được chấp thuận, khi đại dịch qua đi, công ty sẽ giao cho dân vận hành, quản lý những chiếc bè mảng và cùng doanh nghiệp làm du lịch cộng đồng”- ông Tuấn nói.
Liên quan đến mô hình du lịch cộng đồng mới ở biển Hải Tiến, ông Trịnh Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Phục dựng lại mô hình bè tre huyền thoại của Thanh Hóa, ngoài việc đa dạng sản phẩm du lịch biển, góp phần vực dậy ngành du lịch sau đại dịch, còn nhân lên niềm tự hào quê hương, góp phần khẳng định chủ quyền biển, hải đảo của Tổ quốc. Dự án du lịch bè mảng là nỗi trăn trở nhiều năm nay của những người làm du lịch tỉnh Thanh. Chúng tôi đánh giá cao và sẽ hỗ trợ mọi điều kiện cho Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh để đề án đi vào thực tế”.
Ngoài những mô hình của các doanh nghiệp, trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều sản phẩm du lịch mới được đầu tư, đưa vào phục vụ khách du lịch, như: Huyện Hoằng Hóa khai trương tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ, hình thành các homestay (nhà có phòng cho khách du lịch thuê), loại hình du lịch dù bay. Thành phố Sầm Sơn với Lễ hội tình Yêu, làng bích họa, mô tô nước, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm. Đặc biệt, Lễ hội Sầm Sơn với nhiều hoạt động hấp dẫn như Lễ hội ánh sáng, Canavan đường phố,… Một số khu du lịch biển mới đang dần hình thành, bước đầu thu hút sự quan tâm của khách du lịch đang được đưa vào quản lý như: Bãi Đông Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia), các khu ven biển huyện Quảng Xương,…
Tìm "cơ" trong “nguy”
Trong hoàn cảnh bất khả kháng do dịch bệnh, bên cạnh những doanh nghiệp mở rộng, làm mới các sản phẩm thì cũng có những doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh du lịch chuyển hướng sang lĩnh vực khác, chờ đợi thời điểm dịch bệnh qua đi, bình ổn lại thị trường du lịch.
Trước những tổn thất nặng nề mà ngành du lịch đang gánh chịu do đại dịch, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích nghi và tồn tại. Việc chuyển hướng sang kinh doanh khẩu trang được kỳ vọng sẽ duy trì việc làm cho nhiều doanh nghiệp trong khi du lịch đang phải “ngủ đông”. Trong lúc gần như “chết đuối”, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Eagle (TP Thanh Hóa) đã tự tìm đến phao cứu sinh với hi vọng cải thiện tình hình kinh doanh vốn đang rất bi đát. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén rất lớn của chủ doanh nghiệp để biết tìm “cơ” trong “nguy”.
Trong hoàn cảnh không thể khác được, vị nữ Giám đốc đầy nghị lực Phạm Hoài Thương, người vốn rất đam mê kinh doanh du lịch đã phải chuyển đổi ngành nghề. Vẫn mang trong mình bầu nhiệt huyết kinh doanh cũng như quyết tâm đảm bảo thu nhập cho nhân viên Công ty du lịch, bà Thương thử sức với một ngành nghề mới bằng việc đầu tư 12 tỷ mua 2 chiếc máy làm khẩu trang y tế để làm cùng với cơ sở của một người bạn. Ngoài ra, công ty cũng mở rộng thêm ngành nghề mới như đấu giá, thẩm định giá, tài sản cho doanh nghiệp đối tác. Là một người làm du lịch, giờ đây bà Hoài Thương lại đang tất bật với công việc kinh doanh mới, tìm thêm cơ hội cho mình.
Khi được hỏi, nếu dịch bệnh qua đi, thị trường du lịch bình ổn trở lại, bà có quay về với du lịch không?
Bà Thương tâm sự: “Khi dịch bệnh diễn ra, hầu hết doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi buộc phải cắt giảm chi phí, thu hẹp lại văn phòng, linh động trong bố trí nhân sự thì nhân viên Công ty Eagle chưa một ngày thất nghiệp. Thực tế cho thấy khi chưa có dịch người dân rất ít đeo khẩu trang nên lượng tiêu thụ thấp. Nhưng khi có dịch và kể cả sau này thì khẩu trang vẫn là vật bất ly thân của mỗi người. Tôi mở rộng ngành nghề là có định hướng cụ thể, rõ ràng chứ không bị phụ thuộc vào dịch bệnh. Kể cả dịch bệnh có ổn định, du lịch có phát triển trở lại thì các ngành nghề khác của tôi vẫn hoạt động và phát triển bình thường. Khi đó chắc chắn tôi sẽ quay lại với du lịch, bởi đó vẫn là nghề mà tôi yêu nhất”.
Cũng như nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, khách sạn Sao Mai tọa lạc ở vị trí đắc địa của thành phố Thanh Hóa với hơn 100 phòng nghỉ đã không hoặc rất ít khách do dịch bệnh. Trước thực tế đó, những người điều hành khách sạn đã xây dựng kế hoạch mới để doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Khánh - Giám đốc Học viện Livestream Nexton Thanh Hóa, thuộc Công ty Sao Mai Thanh Hóa cho biết: Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khách sạn cũng không còn nhiều khách nghỉ lại, công ty chúng tôi đã quyết định thay đổi. Thời gian nghỉ dịch chúng tôi sẽ tập trung tu sửa lại để đưa khách sạn Sao Mai trở thành khách sạn cổ nhất thành phố (“cổ chứ không cũ”- bà Khánh nhấn mạnh) để phục vụ đối tượng khách là những người ưa sự tĩnh lặng, cổ xưa.
Ngoài ra, để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty Sao Mai đã thành lập Học viện Livestream Nexton Thanh Hóa để dạy mọi người bán hàng trên mạng bằng hình thức Livestream nhằm giảm bớt cách bán hàng tiếp xúc trực tiếp truyền thồng.
Chia sẻ về ý tưởng mở lớp học Livestream tại Khách Sạn Sao Mai, bà Khánh nói, trong bối cảnh dịch bệnh, khách sạn không thể đón và tiếp khách như trước đây. Hơn nữa chuyển đổi số, các hoạt động kinh doanh trên mạng đã trở thành sự lựa chọn tất yếu cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, Công ty Sao Mai quyết định mở học viện này. Đã từng có nhận định 10 năm tuyên truyền và thúc đẩy chuyển đổi số không bằng 1 năm Covid-19. Vì vậy, hiện nay bán hàng thông qua truyền hình trực tiếp (Livestream - hình thức quay và phát video trực tiếp cùng lúc) thời điểm này đã bùng nổ tại Việt Nam, là "cứu cánh" cho nền thương mại trong dịch bệnh Covid-19.
Như vậy, trong “cái khó” buộc phải “ló cái khôn”. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tỉnh Thanh Hóa bằng cách này hay cách khác, họ đều đang làm mới và thay đổi mình để thích nghi và “sống” tốt nhất trong hoàn cảnh dịch bệnh. Tin rằng, với sự thông minh, sáng tạo cùng sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng của các cấp chính quyền những chủ doanh nghiệp du lịch sẽ bứt phá để thành công khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hiền Minh