Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ chiến lược của tỉnh phát triển kinh tế xanh. |
Đó là thông điệp mà ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mong muốn gửi đến các nhà đầu tư tại TP.HCM trong cuộc xúc tiến kêu gọi đầu tư, thương mại và du lịch tại TP.HCM ngày 16/11/2014.
Chiến lược thu hút kinh tế xanh
Gần 200 doanh nghiệp tại TP.HCM tham gia sự kiện. |
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ: “Ninh Thuận là vùng đất còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác trong khu vực cũng như cả nước. Lợi thế rõ nhất chính là Ninh Thuận có tiềm năng về nắng và gió và xây dựng các dự án về năng lượng mặt trời tạo năng lượng xanh.Lợi thế này đã được Chính phủ cho chủ trương và trong 3 năm qua Ninh Thuận đã phát triển trên 3000MW về năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời. Đây là lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp xanh, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước”.
Cùng với chiến lược đó, TS.Trần Du lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia; Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM cũng nhận định: “Ninh Thuận rất cá biệt, không đâu có năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nên cần phải đặt mục tiêu là kinh tế xanh bao gồm: Công nghiệp xanh, du lịch xanh và đô thị xanh. Và nền tảng kinh tế xanh là cơ sở chuyển đổi về năng lượng”.
Những ưu điểm thu hút đầu tư
Cảng biển là môt trong những thế mạnh của Ninh Thuận. |
Ninh Thuận là một tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng, có điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển vùng. Nơi đây có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 MWT, nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1, Cao tốc Bắc-Nam phía Đông; đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Với bờ biển dài hơn 105km, có nhiều lợi thế nổi trội, là vùng nước trồi duy nhất của Việt Nam là 1/18 vùng nước trồi của thế giới, địa hình địa thế bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp, trong đó vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là danh lam thắng cảnh Quốc gia, vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Thế giới; khu du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu du lịch trọng điểm Quốc gia; đặc sắc văn hóa Chăm với các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm cổ nhất Đông Nam Á, trong đó nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới vào năm 2022… tạo cho Ninh Thuận có tiềm năng, thế mạnh riêng có để phát triển ngành kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics.
Hiện tại, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam giới thiệu: Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: bổ sung sân bay Thành Sơn quy mô cấp 4C, công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo) đã hoàn thành đi vào hoạt động rút ngắn thời khoảng cách thời gian từ Ninh Thuận đi Thành phố Hồ Chí Minh từ 6-7 giờ xuống còn 3-4 giờ; cảng biển tổng hợp Cà Ná đã hoàn thành đầu tư vào hoạt động bến 100.000 tấn mang lại ý nghĩa quan trọng và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 03 Khu Công nghiệp đã được thành lập (gồm: KCN Thành Hải, Du Long, Phước Nam) với tổng diện tích 855ha và KCN Cà Ná quy mô 827ha đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện tại, các KCN mới lấp đầy đạt 21% và 06 Cụm Công nghiệp, với quỹ đất tại các khu, cụm CN còn khá lớn, với mức giá cho thuê thấp hơn nhiều so với mức giá của các tỉnh trong khu vực bằng khoảng 30% (Giá thuê trung bình khoảng 35 USD/m2/cho cả thời gian thuê) là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, hạ tầng Khu, Cụm Công nghiệp.
Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch xác định chọn 05 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng và thị trường bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị. Quy hoạch tập trung phát triển 3 hành lang gồm: Tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây tạo kết nối vùng, liên vùng theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ông Trần Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cũng gợi ý cho Ninh Thuận: Làm du lịch nên chạm vào sự khác biệt như đưa văn hóa Chăm vào cuộc sống thì du khách mới thích thú vì được trải nghiệm, họ mong muốn được chạm vào nét văn hóa đó.
Vịnh Vĩnh Hy là một trong những Vịnh đẹp nhất Việt Nam đang là nơi kêu gọi đầu tư. |
Một điểm khác hấp dẫn các nhà đầu tư chính là Ninh Thuận “Nói không với điểm nghẽn”. Là người tham gia tư vấn lâu năm cho Ninh Thuận, TS.Trần Du Lịch đánh giá rất cao sự cởi mở và nhiệt thành của đội ngũ lãnh đạo nơi đây. Vì hầu như những khó khăn, bất cập các nút thắt của nhà đầu tư nếu có đều được giải quyết rất nhanh.
Chủ tịch Trần Quốc Nam cho biết thêm: “Ninh Thuận đặt ra là trong năm 2025, hàng tháng Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có đối thoại doanh nghiệp để gỡ khó ngay cho doanh nghiệp khi vướng mắc”.
Ông Trương Văn Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịchtỉnh Ninh Thuận khẳng định: Việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh là ưu tiên hàng đầu của Trung tâm. Với phương châm hành động "Chuyên nghiệp, đồng hành, hiệu quả", Trung tâm tích cực đổi mới nội dung, phương thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các bước từ khảo sát, đến hoàn thiện hồ sơ đầu tư, nhằm rút ngắn tối đa thời gian triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư an tâm thực hiện dự án, phát triển bền vững./.
Lễ ký kêt hợp tác MOU với các doanh nghiệp TP.HCM. |
Tại sự kiện, các nhà đầu tư tại TP.HCM đã ký kết hợp tác MOU với 13 doanh nghiệp. Đồng thời Công ty sữa NutiFood đã tài trợ 10 tỷ đồng để bảo tồn làng gốm Bầu Trúc.
Công ty Nutifood tài trợ 10 tỷ đồng đồng hành gìn giữ làng gốm Bàu Trúc. |