Những năm gần đây, sự phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh Bắc Giang bước đầu đã hình thành liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, có sự gắn kết vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của các địa phương sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp người nông dân tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
![]() |
Vùng chuyên canh vải thiều sớm xuất khẩu tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên. |
Vải sớm Tân Yên là một trong số những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Giang và của huyện Tân Yên. Năm 2025, tổng diện tích vải thiều của huyện trên 1.300 ha, sản lượng ước đạt trên 15.000 tấn. Kinh nghiệm từ mô hình trồng vải thiều tại xã Phúc Hòa cho thấy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân. Đây là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả. Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, các hộ nông dân cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. Qua đó, tạo dựng được niềm tin cho các doanh nghiệp thu mua, thúc đẩy liên kết mang tính bền vững.
Là hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm trong trồng vải thiều xuất khẩu, anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa cho biết, trước đây người trồng vải cứ đến kỳ thu hoạch được mùa thì vui nhưng lại lo mất giá. Nhưng trong vài năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các chuyên gia nông nghiệp, nhiều hộ dân trồng vải đã liên kết trực tiếp với doanh nghiệp, ký kết biên bản ghi nhớ thu mua vải thiều từ sớm, giúp các hộ dân trong xã yên tâm về giá trước mùa thu hoạch. Từ đó, tạo điều kiện để nông dân thành lập các tổ, nhóm sản xuất, mở rộng diện tích vải thiều xuất khẩu, chăm sóc, theo dõi, tuân thủ đúng quy trình xét nghiệm…
Hiện toàn bộ diện tích vải của nhóm anh đã được Công ty TNHH Mova Plus đăng ký thu mua sản lượng khoảng 500 tấn phục vụ xuất khẩu tại thị trường Châu Âu, với mức giá 35 nghìn đồng/kg. Mong muốn của các nông hộ trồng vải xã Phúc Hòa là được ký kết nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp nhằm tiến tới 100% diện tích vải của xã đạt yêu cầu xuất khẩu tại các thị trường lớn trên thế giới.
Để tìm đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, vấn đề kết nối của cơ quan chức năng trong việc mời gọi các doanh nghiệp thu mua nông sản đóng vai trò quan trọng. Qua đó, giúp nông dân không bị thương lái ép giá, doanh nghiệp cam kết tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua hợp đồng với giá thỏa thuận, góp phần tăng nguồn thu nhập và phát triển ổn định, bền vững. Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn mua được nguồn hàng đạt tiêu chuẩn, chất lượng, vì vậy việc liên kết với người dân là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp thanh lọc được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
![]() |
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp các doanh nghiệp thu mua giảm bớt nhiều chi phí khâu trung gian. |
Ông Nguyễn Huy Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, hiện toàn xã Phúc Hòa có 720 ha vải thiều, trong đó có khoảng 50% diện tích vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn. Ngay từ đầu năm 2025, UBND huyện thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất vải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung cắt tỉa cành và chăm sóc vải sau thu hoạch; khảo sát, lựa chọn, gắn mã QR code truy xuất nguồn gốc cho hơn 50 vùng sản xuất; mở rộng liên kết duy trì ổn định khoảng 1.000 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Úc, Thái Lan… Huyện cũng chủ động thích ứng cung cầu, bằng nhiều hoạt động phương thức thông tin cho doanh nghiệp; kịp thời phối hợp với các cơ quan của tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Vai trò của cơ quan nhà nước trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho các hộ dân trồng vải và các doanh nghiệp thu mua, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm... Tuy nhiên, để tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các đối tượng tham gia chuỗi phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau. Các rào cản về chi phí đóng gói, vận chuyển, logictics.... cũng cần được tính toán, có giải pháp căn cơ để nông sản chủ lực của địa phương có thể tiến sâu vào thị trường khó tính trên thế giới.
Ông Trịnh Minh Phương - Phó Giám đốc Công ty TNHH Mova Plus cho biết vải sớm Tân Yên là một đặc sản, được thị trường Châu Âu đánh giá cao, nhu cầu tiêu thụ rất lớn, tuy nhiên giá thành còn cao do chi phí vận chuyển, tem mác, đóng gói còn lớn. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn tỉnh tiếp tục mở rộng quy hoạch vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; các cơ quan nhà nước, chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ các doanh nghiệp các vẫn đề về đóng gói, vận chuyển sản phẩm, nhằm tạo ra nguồn cung dồi dào, chất lượng, đảm bảo minh bạch, giúp tạo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy trao đổi với anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa về quy trình trồng, chăm sóc vải thiều xuất khẩu. |
Nhân rộng mô hình liên kết chuỗi
Không chỉ riêng quả vải thiều, Bắc Giang được xác định là một trong những địa phương có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp. Nhằm “đánh thức” tiềm năng, nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, những năm qua tỉnh đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Quyết định số 1399/QĐ-UBND ngày 19/12/2023, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt danh mục các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng tỉnh Bắc Giang, trong đó có 7 sản phẩm chủ lực, 15 sản phẩm đặc trưng và 34 sản phẩm tiềm năng quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hàng hóa gắn với mã vùng trồng và số hóa vùng sản xuất. Hiện toàn tỉnh có 419 sản phẩm OCOP mang đặc trưng của mỗi địa phương, trong đó sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đã đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia, 21 sản phẩn 4 sao, 397 sản phẩm 3 sao. Trong năm 2025, tỉnh tiếp tục có 323 sản phẩm đăng ký, đánh giá phân hạng; xây dựng được 03 chỉ dẫn địa lý (vải thiều, sâm nam núi dành, nai dai), 08 nhãn hiệu chứng nhận và hàng trăm nhãn hiệu tập thể.
Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã chú trọng kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, qua đó, tạo điều kiện để các địa phương tập trung xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng, quy mô lớn; nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm.
Tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển mạnh năng lực kinh doanh các cơ sở chế biến nông sản; kết nối để hình thành và phát triển đa dạng các hình thức liên kết theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, hướng tới mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030, toàn tỉnh phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp có nhu cầu trên địa bàn tỉnh được triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; 100% các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh có nhu cầu được áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử.
Đánh giá về mô hình liên kết chuỗi của Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phấn khởi khi nông dân trồng vải, doanh nghiệp có sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng được chuỗi liên kết, tạo ra được vùng sản xuất vải thiều quy mô lớn, đảm bảo chất lượng xuất khẩu tại các thị trường khó tính trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, phát triển liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, vừa làm giảm chi phí giá thành, vừa giúp nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh cũng như là thuận lợi trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua và cần được nhân rộng trong cả nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chuỗi liên kết vẫn cần cải thiện do hạn chế về năng lực, hạ tầng chế biến, bảo quản và nguồn vốn. Nhiều nơi chỉ hình thành chuỗi khi vào mùa vụ, thiếu sự liên kết bền vững quanh năm.
Để khắc phục, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy lưu ý các doanh nghiệp cần ký hợp đồng tương lai với bên nhập khẩu ngay từ khâu sản xuất cũng như hợp đồng giữa nông dân và cơ sở chế biến, đóng gói. Liên kết chặt chẽ sẽ giảm rủi ro, dù chi phí tuân thủ ban đầu có thể cao. Về lâu dài, chi phí giảm, giá trị gia tăng tăng và tất cả các bên trong chuỗi đều hưởng lợi. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.