5 lý do tại sao bạn nên chấp nhận rủi ro nghề nghiệp

13:05 06/02/2022

Nếu bạn mong muốn có một thứ gì đó mà bạn chưa từng có, điều này đồng nghĩa là bạn phải làm một điều gì đó mà bạn chưa từng làm. Và đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp. Sự thật là mọi người thường từ chối hành động vì họ sợ hãi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Sợ hãi là một cảm xúc mạnh mẽ nhưng ngấm ngầm. Và trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, cảm giác sợ hãi càng được tăng cường. Cảm giác này thường ví như một chiếc áo choàng bảo vệ, giúp chúng ta không làm những việc có thể gây hại cho bản thân. Nhưng đôi khi, nỗi sợ hãi sẽ gây ra những thiệt hại từ việc không chịu hành động, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn. 

Nỗi sợ hãi làm mất đi sự tự tin của chúng ta, khiến chúng ta tin rằng tốt hơn hết chúng ta không nên thử những điều mới hoặc hành động một cách rủi ro. Vì vậy, chúng ta tránh những điều làm cho chúng ta khó chịu, nhưng điều này vô tình khiến ta không thể phát triển một cách khởi sắc hơn. Không sớm thì muộn, sự cẩn trọng đó và những nỗi sợ hãi ngăn cản bạn bị tổn thương sẽ kìm hãm bạn, cản trở sự tiến bộ của bạn.

Để đạt được điều bạn muốn, bạn cần vượt qua nỗi sợ hãi. Dưới đây là năm lý do tại sao bạn nên chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp và vượt qua cảm giác sợ hãi đó:

Giúp bạn đập tan giới hạn của mình

Vào một số thời điểm, những nỗi lo về sự tự nghi ngờ bản thân gần như đến với tất cả mọi người, đặc biệt là khi chúng ta thực sự quan tâm đến kết quả. Đến nỗi chúng ta thậm chí có thể không bao giờ dám thử hành động bởi vì luôn đặt ra những giới hạn và hoài nghi về bản thân, chúng ta tự đặt ra cho mình những câu hỏi như: "Liệu mình có trở thành kẻ ngốc không" hay "Mình sẽ không thể thành công được". 

Nhưng hành động là liều thuốc cho điều đó. Một khi bạn chấp nhận rủi ro nghề nghiệp đó đối với những gì bạn muốn, bạn sẽ bắt đầu loại bỏ những hoài nghi về bản thân đó bởi vì bạn sẽ thấy rằng chúng là vô căn cứ. Vì vậy, những gì chúng ta tưởng tượng trong đầu thường tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ kết quả nào trong đời thực. Bạn có thể chọn sự can đảm hoặc sự thoải mái, nhưng bạn không thể có cả hai cùng một lúc; điều này chính là việc bạn nên chấp nhận rủi ro. 

Mở ra cho bạn những cơ hội và khả năng mới

Một thế giới hoàn toàn mới sẽ mở ra với bạn khi bạn mở lối cho bản thân. Chấp nhận rủi ro có nghĩa là thay đổi. Thay đổi làm lay chuyển mọi thứ và giúp thổi một luồng sinh khí mới vào các phương pháp và thói quen cũ. Những người vượt qua được những con đường cũ đã đi trước đó, họ sẽ tìm được những cơ hội mới. Chúng ta buộc phải thoát ra khỏi những lối mòn mà chúng ta cho rằng đó là sự an toàn, điều này giúp chúng ta nhìn mọi thứ khác đi với góc nhìn mới mẻ hơn. Điều này giúp chúng ta biết thêm được nhiều điều mà bản thân có thể làm, chứ không chỉ những gì hiện có.

Bạn sẽ có được kinh nghiệm quý giá

Thử thách bản thân rời khỏi vùng an toàn sẽ giúp bạn vươn cao đôi cánh và đạt được những kỹ năng, kinh nghiệm và sự tự tin mới. Điều đó có thể giống như việc bạn thu hết can đảm để tự mình bắt đầu, tình nguyện dẫn đầu một hội thảo hoặc kiến nghị những phương thức làm việc mới cho sếp của bạn.

Bạn vẫn không chắc chắn về việc nắm lấy cơ hội? Hãy tự hỏi bản thân xem liệu những gì bạn đang làm hôm nay có giúp bạn tiến gần hơn đến nơi bạn muốn đến vào ngày mai hay không. Như Wayne Gretzky - một cựu vận động viên chuyên nghiệp khúc côn cầu đã nói, "Bạn bỏ lỡ 100% các cú đánh mà bạn không thực hiện." Ngay cả khi bạn không đạt được những gì bạn đã đặt ra, bạn sẽ vẫn giàu có với kinh nghiệm bạn thu được trong suốt chặng đường.

Bạn sẽ hối tiếc nếu bỏ lỡ

Trong cuốn sách mới của tác giả Dan Pink có tên "Sức mạnh của sự hối tiếc:  Cách nhìn về phía sau khiến chúng ta tiến lên phía trước",  Dan Pink  đã chia sẻ rằng trong số 16.000 câu trả lời cho cuộc khảo sát về sự hối hận trên thế giới của mình, một chủ đề chung là mọi người hối tiếc vì đã không đủ táo bạo trong sự nghiệp của họ. Pink gọi đây là “cảm giác hối tiếc về sự táo bạo”, những lần chúng ta quyết định không chớp lấy cơ hội vì sự thay đổi mà chúng ta đang dự tính có vẻ quá lớn, gây khó khăn cho bản thân, hoặc cảm thấy quá mạo hiểm. Nhưng cuối cùng, điều khó khăn lại nằm ở chiều ngược lại, đó là khi chúng ta cảm thấy hối tiếc vì bỏ lỡ cơ hội. 

Hành động sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi hơn

Khi bạn quyết định thực hiện một bước nhảy vọt, bạn đang thực hiện bước đầu tiên để phát triển. Và thực tế là hành động giúp chúng ta tạo ra nhiều hành động hơn. Một khi bạn bắt đầu, bạn xây dựng động lực và có xu hướng duy trì nó tiếp tục. Hành động giúp chúng ta chủ động, và ngược lại không hành động sẽ làm bản thân trở nên trì trệ. 

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về việc có nên chấp nhận rủi ro nghề nghiệp đó hay không, hãy chú ý đến lời của Zig Ziglar- một tác giả, chuyên viên bán hàng và diễn giả truyền cảm hứng người Mỹ từng nói: “Có ba chữ C trong cuộc sống: Choice (lựa chọn), Chance (cơ hội) và Change (thay đổi). Bạn phải lựa chọn để nắm lấy cơ hội, nếu không cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ thay đổi". 

Bảo Bảo (Theo Forbes)