Xu thế phát triển ngành viễn thông và những điều kiện thuận lợi tại Việt Nam

00:00 12/10/2020

Trong dòng chảy liên tục của thời đại, xu thế phát triển của ngành viễn thông được dự đoán là không thể tránh khỏi. Trước tình hình đó, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành này ở tương lai.

Các xu thế phát triển nghành viễn thông

Cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng đã tạo ra một làn sóng mới tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống và trên mọi lĩnh vực. Trong đó, ngành viễn thông, một ngành kinh tế - kỹ thuật gắn liền với khoa học công nghệ, là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất. Trong xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đó, ngành này được dự đoán sẽ đi theo một số xu hướng chủ đạo như sau:

Kết nối 5G sẽ là hạ tầng chủ đạo

VNPT đảm bảo hạ tầng mạng lưới công nghệ thông tin cho các hoạt động dịch vụ viễn thông

Thế hệ thông tin di động thứ nhất (1G) được “trình làng” lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ XX. Kết nối 1G hoạt động dựa trên nguyên lý là hệ thống giao tiếp thông tin qua kết nối tín hiệu tương tự, hay còn được biết đến với thuật ngữ analog. Thế hệ thông tin thứ 2 (2G) được ra mắt năm 1991 đã có sự cải tiến mạnh mẽ hơn. Thay vì sử dụng analog, 2G đã sử dụng tín hiệu kỹ thuật số Digital để kết nối ở phạm vi rộng rãi hơn, đặc biệt cho phép người dùng nhắn dạng văn bản sms.

Khi 3G xuất hiện, nó cho phép người dùng truyền tải và sử dụng cả dữ liệu thoại và phi thoại bao gồm email, tin nhắn, hình ảnh, âm thanh, clip,… 3G cũng đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ từ các thiết bị di động bình thường đến các thiết bị smartphone. Tuy nhiên dường như 3G chưa thể thỏa mãn được các thiết bị di động thông minh này dẫn đến sự ra đời của 4G. Trong khi mà 4G vẫn thống trị trên toàn thế giới với công nghệ tân tiến và hiện đại, người ta tiếp tục có tham vọng phát triển thế hệ kế nhiệm 5G. Kết nối 5G được coi là xu thế của ngành viễn thông hiện nay với các kỳ vọng vô cùng lớn lao. Nó có thể truyền dữ liệu cực cao, kết nối với công suất lớn nhưng nguồn tiêu thụ lại tỉ lệ nghịch. Nó có các tính năng mà các thế hệ di động trước đó chưa bao giờ có thể làm được, dự kiến sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối.

Người dùng là trung tâm của dịch vụ

Hiện nay trên Thế giới đã phát triển rất nhiều các dịch vụ viễn thông, trong đó phải kể đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Bắt đầu từ ngày 1/1/2019, hơn 120 triệu thuê bao trả trước của những nhà mạng lớn tại Việt Nam đã có thể thực hiện chuyển dịch vụ này, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho ngành viễn thông nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Các tập đoàn công nghệ viễn thông Việt Nam ngày càng chú trọng đến hoạt động cá nhân hóa dịch vụ cho người sử dụng

Đối với người tiêu dùng, việc chuyển mạng, giữ nguyên số hỗ trợ họ chủ động lựa chọn dịch vụ thích hợp nhất với mình mà không phải đổi số điện thoại. Như vậy người dùng đã trở thành trung tâm và giá trị cao nhất đối với các doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn thích hợp với xu hướng phát triển cá nhân hóa người sử dụng trong tương lai. Mặt khác, xu hướng này cũng giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh trong nâng cao chất lượng nhà mạng cũng như hoạt động chăm sóc khách hàng sẽ đặc biệt được chú trọng.

Nâng cao tư duy quản lý và năng lực con người

Trên thế giới hiện nay, không khó để thấy những thuật ngữ “chuyển đổi số”, “xã hội số”, “kinh tế số”… Đây là những mục tiêu hàng đầu và là mục tiêu phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.

Khác với những cuộc “chuyển đổi số” trước đó, công cuộc “chuyển đổi số” thứ tư với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 gắn liền với điện thoại thông minh, Internet kết nối vạn vật, cáp quang băng thông rộng đến từng nhà, big data và trí tuệ nhân tạo AI. Điều này còn mở ra một thế giới tri thức vô cùng rộng lớn và bao la mà ở đó máy móc dường như đã có thể “thông minh” ngang với con người. Nhưng quan trọng hơn, cuộc cách mạng 4.0 đang mở ra một thế giới mà ở đó thực - ảo khó phân biệt, công nghệ bị sử dụng cho những mục đích xấu đi ngược lại với lợi ích và sự phát triển chung.Trong xu hướng đó, sự quản lý, đổi mới và sáng tạo của con người cần thiết hơn bao giờ hết. Ở đó, thay vì phụ thuộc vào công nghệ, chúng ta cần làm chủ và ứng dụng nó một cách tối đa trong các hoạt động đời sống, đồng thời bổ sung cái cũ và tạo những ý tưởng hoàn toàn mới. Đặc biệt, điều quan trọng nhất đối với các quốc gia đi sau trong cuộc chơi toàn cầu là sử dụng chiến lược “đi tắt đón đầu” để tận dụng tối đa nguồn tài nguồn tri thức của các quốc gia đi trước.

Cơ hội phát triển ngành viễn thông tại Việt Nam

Với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu nhiều thiệt thòi trong việc ứng dụng và tích hợp khoa học công nghệ vào các lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, những yếu tố trên không làm cản trở được tiềm năng phát triển của Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sâu, rộng ngành nghề này.

Khả năng xuất khẩu cao

Việt Nam để lại cho thế giới ấn tượng về một quốc gia hòa bình, có trách nhiệm với cộng đồng và tích cực tham gia đóng góp vào các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh đó, việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại Thế giới cùng với hàng ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do đã giúp mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới. Đó chính là nền tảng quan trọng mở ra một kỉ nguyên mới cho các doanh nghiệp công nghiệp viễn thông khi mà các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có thể xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm thiết bị công nghệ viễn thông do họ tự sản xuất tới nhiều quốc gia với mức thuế tương đối thấp.Tận dụng lợi thế này, các tập đoàn viễn thông lớn trong nước đã và đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sản phẩm viễn thông của mình sang các thị trường quốc tế. Ngay từ cuối năm 2012 đến nay, Viettel đã xuất khẩuhơn 90% điện thoại, smartphone, cáp quang…do tập đoàn này tự sản xuất sang các thị trường đầu tư. Đặc biệt, trong quý I/2017 vừa qua, Viettel chính thức xuất khẩu, đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor. Trong khi đó, một ông lớn khác trong ngành viễn thông là Vinaphone (VNPT) nhiều năm qua cũng nhanh chóng mở rộng thị trường quốc tế của doanh nghiệp mình. Theo thống kê, đến hết năm 2016, VNPT đã đạt được doanh thu 4 triệu USD khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường Lào, Myanmar, Malaysia.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Việc vốn đầu tư của nước ngoài tăng mạnh cho lĩnh vực điện tử - viễn thông góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế. Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài như thị trường rộng lớn, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nhân công ngày càng được nâng cao tay nghề, hệ thống chính trị ổn định. Vì thế trong tương lai, Việt Nam sẽ còn thu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về công nghệ thông tin trên Thế giới mạnh mẽ hơn nữa.

Giảm giá các sản phẩm viễn thông

Đây là một trong những tiềm năng to lớn của ngành điện tử viễn thông Việt Nam. Mức giá các sản phẩm được giảm do gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Đồng thời đây cũng là động lực để phát triển nền công nghiệp điện tử và sản xuất các thiết bị phục vụ ngành viễn thông.

Trở thành “công xưởng thứ hai thế giới”

Các tập đoàn điện tử, viễn thông lớn trên Thế giới đã tuyên bố rút lui khỏi đất nước tỷ dân Trung Quốc, chuyển sang khu vực Đông Nam Á. Đây là một cơ hội khả quan đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện tử - viễn thông sôi động nhất. Sự đầu tư của các ông lớn về điện tử - viễn thông là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tạo sự chú ý cho hàng loạt các nhà đầu tư lớn khác vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Các chính sách hỗ trợ của nhà nước

Hiện nay sự phát triển ngành viễn thông chính là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung. Chính vì thế Chính phủ đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển ngành này. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và giao nhiệm vụ chủ trì hàng loạt nhiệm vụ thuộc các chương trình khoa học công nghệ quốc gia nhằm đẩy mạnh sự tăng trưởng của ngành này. Tiêu biểu có thể kể đến dự án “Nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị truy nhập wifi (Access Point) dùng cho mạng VNPT wifi dựa trên nền điện toán đám mây” (năm 2013) và  “Nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị trạm gốc cỡ nhỏ đa công nghệ Wifi/3G/4G” (năm 2018) do Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông chủ trì trong Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, hay dự án “Nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm anten MIMO đa búp sóng cho hệ thống thông tin di động sau 4G” do Viện Điện tử Viễn thông  - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì thực hiện thuộc Các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Nghị định thư.

Viện Điện tử Viễn thông - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội làm việc với Đại học Torino, Cộng hòa Ý phục vụ nhiệm vụ “Nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm anten MIMO đa búp sóng cho hệ thống thông tin di động sau 4G” thuộc Nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư

Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu mở rộng có liên quan đến lĩnh vực này như “Xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng IoT tại Việt Nam” do Tập đoàn công nghệ CMC thực hiện thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, tập trung vào ba ngành chính là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin. Theo đó, Internet of Things (IoT) liên quan đến việc kết nối các thiết bị với nhau, thực hiện qua Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), Bluetooth, ZigBee, hồng ngoại,... Các chuyên gia cho rằng, những lĩnh vực mới tự phát triển đôi khi liên quan đến an ninh, môi trường và văn hóa quốc gia, trong khi đó, trước bối cảnh những công nghệ viễn thông nước ngoài đang ở những bước tiến xa thì hoạt động nghiên cứu để biết Việt Nam có thể tận dụng cơ hội như thế nào sẽ là nền tảng để những sáng tạo mới đem lại kết quả hữu ích.

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra hiện nay đã góp phần thay đổi một cách toàn diện những khía cạnh hình thành nên ngành viễn thông, mà ở đó con người đóng vai trò trung tâm. Trong xu hướng phát triển đó, tuy sở hữu nhiều lợi thế phát triển ngành viễn thông nhưng Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức tiềm tàng mà nguy cơ bị gạt ra khỏi cuộc chơi toàn cầu là không nhỏ. Nhận thức được thực trạng này, chúng ta cần có những định hướng chiến lược, giải pháp cụ thể, hiệu quả để phát triển ngành viễn thông sao cho tận dụng được những cơ hội và hạn chế thấp nhất những khó khăn thách thức khi hội nhập khu vực và thế giới. Do đó, bên cạnh việc Nhà nước đưa ra những chính sách, khung pháp lý hợp lý, các doanh nghiệp cũng cần phải liên tục đổi mới, cải cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực...Từ đó hình thành ngành viễn thông lớn mạnh, có sức cạnh tranh với các cường quốc trên thế giới.

Kim Anh