![]() |
Công nghệ AI đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong nhiều lĩnh vực |
“Chúng tôi không làm gì sai, nhưng chúng tôi vẫn thất bại" - lời chia tay từng gây tiếc nuối của CEO Nokia như một hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ bị đào thải nếu doanh nghiệp không kịp thời thay đổi. Và ngày nay, cơn sóng mang tên trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra một cuộc thanh lọc diện rộng tương tự như vậy.
Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, dẫn đến sự chuyển dịch mạnh mẽ về mô hình hoạt động doanh nghiệp, thị trường lao động và cả cách thức quản trị. Tại Hội nghị Gặp mặt Doanh nghiệp hội viên quý III/2025 do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa tổ chức, ông Bùi Quang Hiếu - Giảng viên tại Viện Quản trị & Công nghệ FSB (Đại học FPT) - cho rằng, AI không còn là tương lai, mà là hiện thực cần được nhìn nhận và hành động ngay lập tức.
![]() |
Ông Bùi Quang Hiếu - Giảng viên tại Viện Quản trị & Công nghệ FSB (Đại học FPT) |
Theo ông Bùi Quang Hiếu, một số ngành nghề đang ghi nhận sự cắt giảm nhân sự đáng kể do ứng dụng AI ngày càng rộng rãi. Cụ thể trong ngành lập trình viên, có hơn 155.000 người mất việc vì AI có thể viết mã nhanh, hiệu quả và chính xác hơn. Trong ngành ngân hàng, CitiGroup đã cắt giảm 20.000 nhân sự và con số có thể tăng lên đến 200.000 trong tương lai gần. Trong khi đó, với ngành kế toán - kiểm toán, có tới 56% công việc trong lĩnh vực này có nguy cơ bị thay thế hoàn toàn.
Từ thực tiễn triển khai giảng dạy AI cho đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Hiếu cho biết, hầu hết các đơn vị đều đang chủ động tái cấu trúc, giảm nhân sự ở nhiều bộ phận. Trong đó, giao dịch viên và nhân viên thiết kế đồ họa là hai nhóm bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều dịch vụ ngân hàng truyền thống như mở tài khoản, chuyển tiền, đổi ngoại tệ đã được số hóa, trong khi hình ảnh minh họa bài viết trên các nền tảng báo chí hiện có khoảng 30% do AI tạo ra.
Ông Hiếu cũng chỉ ra nhiều ví dụ cụ thể để minh chứng cho ảnh hưởng sâu rộng của công nghệ đến sự sống còn của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Taxi Mai Linh báo lỗ hơn 1.700 tỷ đồng từ năm 2018 khi thị trường xuất hiện các ứng dụng gọi xe như Grab. Nokia - một thương hiệu công nghệ từng dẫn đầu - đánh mất vị thế sau khi iPhone ra mắt với giao diện cảm ứng tối giản, thay thế toàn bộ nút bấm vật lý truyền thống. Viettel cũng ghi nhận mức sụt giảm tới 70% doanh thu từ dịch vụ cuộc gọi do sự bùng nổ của các ứng dụng như Zalo, Viber. Ngay cả tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng chịu tác động khi lượng khách hàng sụt giảmvì người tiêu dùng đang chuyển sang mua sắm trực tuyến qua Shopee, TikTok Shop, Lazada…
“Điểm chung của tất cả những trường hợp này không nằm ở việc họ làm sai, mà là vì họ đi chậm hơn xu hướng", ông Hiếu nhận định.
Giảng viên FSB chia sẻ rằng, trong 20 năm làm công nghệ, chưa bao giờ thấy làn sóng nào mạnh như AI. Nó không chỉ là một công nghệ, mà là nền tảng sẽ định hình lại toàn bộ xã hội. Với sự hỗ trợ từ AI, những công việc từng mất cả tuần giờ chỉ cần vài giờ. Chiến dịch marketing trước đây cần một đội ngũ làm việc nhiều giờ, nay AI có thể hỗ trợ tăng năng suất mà công việc vẫn có thể đạt được hiệu quả.
Sự phát triển nhanh chóng của AI được cho là đến từ hai yếu tố. Thứ nhất là nhu cầu thực tiễn khi con người muốn giải phóng mình khỏi các công việc lặp đi lặp lại. Thứ hai là từ nguồn lực đầu tư khổng lồ, chỉ riêng Microsoft đã công bố sẽ đầu tư 80 tỷ USD vào AI trong năm 2025.
Ông Hiếu cũng nhắc đến một dự án chatbot nội bộ từng thất bại tại một công ty phần mềm lớn, do AI không thể xử lý các biến thể ngôn ngữ tiếng Việt một cách hiệu quả. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ thế hệ mới như ChatGPT đã thay đổi cục diện. Theo ông, chỉ cần một thời gian ngắn là có thể xây dựng một hệ thống chatbot hỗ trợ toàn bộ quy trình đào tạo, chăm sóc khách hàng hay vận hành doanh nghiệp.
“Công nghệ AI đang thay đổi cách thức vận hành doanh nghiệp trong kỷ nguyên số", ông Bùi Quang Hiếu nhận định; đồng thời cho biết, AI không còn là công nghệ xa vời mà đã hiện diện rộng khắp trong đời sống và sản xuất. Nhiều thiết bị phổ thông như camera AI chỉ với giá khoảng 1 triệu đồng đã có thể nhận diện khuôn mặt trong bóng tối; xe tự lái vận hành mà không cần người điều khiển; trợ lý ảo tích hợp trên ô tô như VinFast có thể giao tiếp bằng giọng nói, tư vấn lộ trình, tìm kiếm nhà hàng...
Trong môi trường doanh nghiệp, AI đang được triển khai mạnh mẽ để hỗ trợ các quy trình tuyển dụng, đào tạo nhân sự, quản trị tri thức và chăm sóc khách hàng. Việc ứng dụng AI không chỉ giúp tối ưu hiệu suất làm việc mà còn giúp cắt giảm đáng kể chi phí vận hành, mang lại lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho các tổ chức đi trước.
![]() |
Việc xây dựng một hệ thống chatbot hỗ trợ toàn bộ quy trình đào tạo, chăm sóc khách hàng hay vận hành doanh nghiệp đang trở nên đơn giản hóa hơn bao giờ hết |
Một nội dung đáng chú ý khác được ông Hiếu đề cập là hệ thống quản lý công dân bằng AI, lấy ví dụ tại Trung Quốc - nơi mỗi người dân đều có mã định danh gắn với dữ liệu sinh trắc học và điểm số hành vi. Người dân tuân thủ tốt sẽ được cộng điểm và hưởng nhiều ưu đãi; ngược lại, nếu vi phạm sẽ bị hạn chế quyền lợi.
Tại Việt Nam, theo ông Hiếu, Công an TP Hà Nội đang triển khai 4 dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát với quy mô khoảng 3.700 camera, tích hợp trí tuệ nhân tạo. Điều này cho thấy khả năng triển khai các hệ thống giám sát, quản lý thông minh trong tương lai gần.
Ông cũng dẫn lời cảnh báo của McKinsey cho biết, hiện có khoảng 50% công việc có thể được tự động hóa bởi AI. Và đến năm 2030, có tới 800 triệu việc làm trên toàn cầu có thể bị thay thế bởi tự động hóa. Nhưng đồng thời, cũng sẽ có 890 triệu việc làm mới được tạo ra.
"AI xuất sắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, phân tích dữ liệu và xác định các hình mẫu. Nhưng nó cũng bị giới hạn trong những khuôn mẫu và phụ thuộc vào dữ liệu bạn nhập vào. Nếu dữ liệu sai, kết quả cũng sẽ sai. Vì vậy, Thay vì lo lắng AI sẽ thay thế hoàn toàn công việc của bạ, hãy nghĩ rằng AI sẽ chuyển đổi nhiều việc làm và đòi hỏi bạn phát triển các kỹ năng bổ sung để làm việc tốt với AI", ông Hiếu chia sẻ.
Ông cho rằng, AI không thay thế toàn bộ con người, mà đang thay đổi bản chất công việc, buộc người lao động phải thích nghi, học hỏi và nâng cao kỹ năng. Trong đó, những năng lực như tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp, khả năng ra quyết định và phối hợp cùng công nghệ sẽ trở nên đặc biệt quan trọng. “Cơ hội không mất đi, nó chỉ thay đổi hình thức. Ai nhanh chóng thích nghi, người đó sẽ dẫn đầu,” ông nhấn mạnh.
Không ít doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang tận dụng AI để tối ưu vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng quy mô kinh doanh mà không cần tăng tương ứng chi phí nhân sự. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nếu được áp dụng đúng cách, AI sẽ không chỉ là công cụ tiết kiệm, mà còn là đòn bẩy tăng trưởng bền vững trong thời đại mới.