Việt Nam góp bốn doanh nghiệp trong danh sách Forbes' Global 2000 năm 2019

00:00 12/10/2020

Danh sách Forbes' Global 2000 lần thứ 17 vinh danh những công ty lớn nhất thế giới đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhóm doanh nghiệp này đã đóng góp hơn 40.000 tỉ USD doanh thu mỗi năm và 186.000 tỉ USD giá trị tài sản toàn cầu. Việt Nam góp mặt bốn doanh nghiệp trong danh sách 2019.

Việt Nam góp bốn doanh nghiệp trong danh sách Forbes' Global 2000 năm 2019 - ảnh 1
 

Danh sách Forbes' Global 2000 năm nay ghi nhận bốn doanh nghiệp đến từ Việt Nam: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam -  Vietcombank (thứ 1096), ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (thứ 1716), tập đoàn Vingroup (1747) và ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Vietinbank (1769). 

Việc xếp hạng được thực hiện dựa trên doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp.

Mỹ - Trung đối đầu

Forbes' Global 2000 năm 2019 ghi nhận sự hiện diện của các đại diện đến từ 61 quốc gia, tuy vậy phần lớn đều đến từ Trung Quốc và Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa hai nước vẫn đang tiếp diễn với sự bùng nổ của các đòn trả đũa thuế quan, dẫn tới tình trạng bán tháo cổ phiếu trên thị trường.

Việt Nam góp bốn doanh nghiệp trong danh sách Forbes' Global 2000 năm 2019 - ảnh 2

Nguồn: Forbes.com

 

Bất chấp mức tăng trưởng GPD đang khựng lại và phải chịu đòn thuế trị giá hàng tỉ đô-la từ Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố vị thế của mình. Nhìn lại năm 2003, Trung Quốc và Hồng Kông chỉ đóng góp 43 công ty, trong khi đó Mỹ có tới 776 đại diện trong danh sách Forbes' Global 2000. Nhưng năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng công ty Trung Quốc đứng trong tốp 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vượt trội hơn hẳn so với các quốc gia còn lại. 

Việt Nam góp bốn doanh nghiệp trong danh sách Forbes' Global 2000 năm 2019 - ảnh 3

So sánh số lượng doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc và Mỹ sở hữu qua các năm. Nguồn: Forbes.com.

Trong tốp 10, Mỹ và Trung Quốc là hai trong số ba quốc gia hiếm hoi đóng góp thêm những gương mặt mới. Trung Quốc có thêm 18 đại diện mới, trong khi Mỹ chỉ có thêm 16 doanh nghiệp lọt vào danh sách so với năm ngoái. Bên cạnh đó, Canada đã có thêm 6 công ty nữa, vươn lên thay thế Đức ở vị trí thứ 8 trong số những quốc gia có nhiều công ty lớn nhất thế giới.     

Đáng chú ý, công ty đầu tư Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffet đã rớt khỏi tốp đầu danh sách. Trong quý 4.2018, Kraft Heinz - công ty thực phẩm nhận được khoản đầu tư lớn từ Buffet, đã phải điều chỉnh doanh thu, khiến cho Berkshire "rơi tự do" 400 bậc, xuống vị trí thứ 548 trong danh sách Forbes' Global 2000.

Ngành

Số công ty vào danh sách

Tổng tài sản (tỉ USD)

Tổng lợi nhuận (tỉ USD)

Ngân hàng

308

89.201,1

6.331,8

Tài chính

145

19.864,9

3.650,3

Xây dựng

123

5.223

1.616,2

Dầu và khí đốt

110

6.494,8

4.001,6

Bảo hiểm

102

20.293,9

2.421,9

Nguyên vật liệu

102

2.382,2

1.428,2

Sản phẩm tiêu dùng

90

4.699,5

1.958,4

Dịch vụ doanh nghiệp

88

8.051

2.200,9

Dịch vụ năng lượng

84

4.157,1

1.576,1

Thực phẩm, thức uống và thuốc lá

75

2.174,9

2.842,0

Nguồn: Forbes.com

Tài chính ngân hàng là ngành đứng đầu thế giới hiện nay, đóng góp 453 công ty, tương đương 1/5 danh sách năm nay. Doanh nghiệp đứng đầu danh sách lần thứ bảy liên tiếp là ngân hàng Công thương Trung Quốc. Ngân hàng nhà nước này quản lý hơn 4.000 tỉ USD tài sản và tạo việc làm cho gần nửa triệu người lao động.

Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng Mỹ đều có một năm kinh doanh tốt nhờ chính sách cắt giảm thuế. JPMorgan và Bank of America đều tăng hạng, trong khi đó Wells Fargo, vì vướng phải vụ bê bối gian lận trong bán hàng, đã rơi từ vị trí thứ 7 xuống thứ 10.  

Trong ngành xây dựng, những công ty nhà nước Trung Quốc đang chiếm ưu thế với 35% trong số 123 công ty lớn nhất ngành đều đến từ Trung Quốc. Ngành hàng chiếm tốp đầu tiếp theo là dầu và khí đốt, theo sau là bảo hiểm và vật liệu.

Lợi nhuận

Trong năm qua, nhờ nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung không ổn định, giá dầu và khí đốt tăng nhanh, giúp ngành này trở thành "con gà đẻ trứng vàng" lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nhờ chính sách cắt giảm thuế mà JPMorgan đã thu về thêm 3,7 tỉ USD lợi nhuận, đẩy ngân hàng thành mảng kinh doanh sinh lời thứ nhì thế giới.   

Forbes