Trái phiếu châu Á - 'điểm đến đầu tư' trong chiến tranh thương mại

00:00 12/10/2020

Trái phiếu châu Á đang là đối tượng đầu tư hấp dẫn hơn so với chứng khoán châu Á hoặc trái phiếu khu vực khác, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa kết thúc.

Giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang và bất ổn, trái phiếu châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, nhìn chung đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài.

“Ưu tiên của tôi là mua trái phiếu Trung Quốc với kỳ vọng kết quả dàn xếp thương mại thuận lợi sẽ giảm biến động”, Peter Sengelmann, giám đốc đầu tư của công ty quản lý đầu tư và hoạch định tài chính Thun Financial, Mỹ, nói.

Nhà đầu tư quốc tế vẫn có nhu cầu mua vào trái phiếu Trung Quốc do họ muốn phòng hộ, đối phó tác động từ cuộc chiến thương mại lên nền kinh tế Mỹ.

Rajeev de Mello, giám đốc đầu tư tại Bank of Singapore, cho biết họ thích trái phiếu hơn cổ phiếu bởi cổ phiếu nhạy cảm và có rủi ro cao hơn nhiều.

“Với các thị trường mới nổi ở châu Á, chúng tôi cũng ưu tiên trái phiếu hơn cổ phiếu”, theo Ben Luk, chiến lược gia quản lý tài sản cấp cao tại State Street Global Markets.

Cổ phiếu không được khuyến khích bởi lợi nhuận nhiều công ty châu Á niêm yết vẫn chưa có chuyển biến tích cực trong khi với trái phiếu, nhà đầu tư chỉ phải lo ngại về dòng vốn, lạm phát và chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Luk lý giải.

Lạm phát tại Mỹ tiếp tục suy yếu có thể khiến Fed hạ lãi suất, ngay cả khi nền kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng, theo James Bullard, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang St Louis.

Bullard, thành viên có quyền biểu quyết về lãi suất tại Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cho rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất, hạn chế có những thay đổi bất ngờ.

Trái phiếu châu Á - điểm đến đầu tư trong chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Ảnh: Finance Asia.

Bất ổn và căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gia tăng. Cho đến tháng 4, thị trường vẫn kỳ vọng hai bên sẽ đạt thỏa thuận chỉ trong vài tháng kế tiếp. Tuy nhiên, diễn biến đàm phán bất ngờ đảo chiều hồi đầu tháng 5, khi Tổng thống Donald Trump lên Twitter cá nhân dọa tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ 10% lên 25% từ ngày 10/5. Lời đe dọa trên đã thành hiện thực.

Ngày 13/5, Trung Quốc tuyên bố đáp trả, tăng thuế từ 5 – 10% lên 5 – 25% với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/6. Vài ngày sau, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ cấm Huawei Technologies, gã khổng lồ công nghệ viễn thông Trung Quốc, mua các linh kiện từ các công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận từ Washington.

Sức hấp dẫn từ lợi suất cao

So với phần còn lại của thế giới, thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, gần đây đã có các đợt điều chỉnh mạnh. Kể từ đầu tháng 5, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm 9%, Straits Times của Singapore giảm 6,7%, Kospi của Hàn Quốc giảm 6,7%. Shanghai Composite, Trung Quốc, giảm ít hơn, 5,5%.

“Hiện tại, có nhiều cơ hội hơn để mua vào trái phiếu lãi cao ở châu Á”, Luk nói.

Lợi suất cao hơn so với các tài sản thu nhập cố định ở các khu vực khác là lý do chính khiến nhà đầu tư quốc tế tăng phân bổ vào các sản phẩm thu nhập cố định châu Á, theo kết quả khảo sát gần đây do đơn vị tham vấn quản lý Greenwich Associates và công ty dịch vụ tài chính State Street Global Advisors (SSGA) thực hiện.

Khảo sát thăm dò 187 nhà đầu tư tổ chức, ngân hàng tư nhân, trung gian tài chính tại châu Á – Thái Binh Dương từ tháng 10/2018 đến tháng 3.

“Khoảng 3/4 bên tham gia khảo sát cho biết lợi suất là lý do chính cho việc tăng đầu tư vào tài sản cố định châu Á trong năm tiếp theo”, Ng Kheng Siang, trưởng bộ phận thu nhập cố định châu Á – Thái Bình Dương tại SSGA, nói.

“Cơ hội sinh lời từ trái phiếu châu Á hấp dẫn hơn, sau khi Fed quyết định ngừng tăng lãi suất trong năm nay”.

Trái phiếu châu Á, không gồm Nhật Bản, đang mang lại lợi suất cao hơn so với trái phiếu Mỹ, trong khi đường cong lợi suất trái phiếu châu Âu và Nhật Bản đảo ngược. Ví dụ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm là 2,08% trong khi con số này đối với Malaysia và Trung Quốc lần lượt là 7,54% và 3,16%.

Tại Thái Lan và Hàn Quốc, lợi suất trái phiếu đang đối mặt áp lực giảm bởi ngân hàng trung ương các nước này có xu hướng hạ lãi suất. Ngược lại, lợi suất trái phiếu Malaysia và Indonesia có thể tăng do nhà đầu tư né tránh rủi ro, bởi căng thẳng thương mại gia tăng và nội tệ các nước này đang suy yếu.

“Chúng tôi dự đoán các trái phiếu châu Á sẽ diễn biến trái chiều, dù lợi suất có thể tăng do các đồng tiền và tâm lý về các thị trường mới nổi xấu đi”, theo Ng.

Theo Finance Asia