Tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước rất chậm

00:00 12/10/2020

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước rất chậm.

Trình bày báo cáo kết quả về kinh tế - xã hội và thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2019 tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương chiều 30/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều năm liền không đạt kế hoạch, thậm chí có xu hướng giảm. Tỷ lệ giải ngân năm 2017 là 81,8%, năm 2018 là 75,82% và ước năm 2019 đạt 75% dự toán Quốc hội giao.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc giải ngân chậm là một nguyên nhân dẫn tới hiệu quả đầu tư công thấp, tình trạng đội vốn công trình/dự án, uy tín của Việt Nam với các chủ nợ, nhà tài trợ… Đồng thời, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và kể cả thu NSNN ở một số địa phương.

Tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước rất chậm - Ảnh 1.

Tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước còn rất chậm. (Ảnh minh hoạ)

 

Đề cập đến việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Dũng nhận định, tiến độ cổ phần hoá DNNN rất chậm. Trong năm 2019, có 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2019 thu về quỹ đạt khoảng 14.000 tỷ đồng trên 50.000 tỷ đồng dự toán.

Luỹ kế giai đoạn 2016 – 2019 có 168 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá, trong đó chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hoá thuộc kế hoạch giai đoạn 2017 – 2020 (đạt 28% kế hoạch).

Việc phân định trách nhiệm xử lý tài chính của một số DNNN làm ăn thua lỗ đã ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ một số chủ nợ, từ đó ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia, Bộ trưởng Dũng nêu rõ.

Đối với chi đầu tư NSNN, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công mới được sửa đổi năm 2019, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong việc giao và triển khai dự án dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm; quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm để đảm bảo năm 2020 giải ngân hết vốn đầu tư NSNN, không chỉ dự toán năm 2020 mà còn cả vốn đầu tư của những năm trước chưa giải ngân hết chuyển sang.

Đối với chi thường xuyên, cần triệt để tiết kiệm, đặc biệt là trong mua sắm trang thiết bị, ô tô, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi nước ngoài; tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, ông Đinh Tiến Dũng lưu ý./.

Theo Trần Ngọc