‘Thời cơ vàng’ cho thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

00:00 12/10/2020

Tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại Việt Nam đang giảm tích cực nhờ người tiêu dùng có thái độ cởi mở đón nhận những phương thức thanh toán mới.

Thanh toán không dùng tiền mặt từ lâu đã được Việt Nam xác định là xu thế tất yếu, thông qua nhiều quyết sách quan trọng. Đề án phát triển thanh toán số giai đoạn 2016-2020 đã hướng đến việc tạo sự chuyển biến rõ rệt về phương thức thanh toán này, góp phần giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia", đặt mục tiêu ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đến cuối năm 2025, tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng vào năm 2030.

Trên thực tế, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán được ưa thích nhất hiện nay tại Việt Nam, theo Khảo sát thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2019 do Visa ủy quyền thực hiện tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, điểm sáng là trong khi 84% người dân khu vực chọn sử dụng tiền mặt thì tỉ lệ này ở Việt Nam là thấp nhất khu vực khi chỉ có 7 trên 10 người chọn sử dụng tiền mặt để thanh toán. Nếu so con số này với một vài ước tính vào năm ngoái, với khoảng 90% giao dịch tại Việt Nam vẫn còn sử dụng tiền mặt thì đây là tiến triển tích cực.

Trong thời gian tới, thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam có khả năng còn tăng tốc đáng kể, bởi đang hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi. Đầu tiên, là thái độ cởi mở của người tiêu dùng, những người quyết định chính vào tiến trình này. Theo khảo sát, 74% trong số họ kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới. Đối với nhóm người dùng mang theo ít tiền mặt, lý do chính là vì ngày càng có nhiều nơi chấp nhận thanh toán không tiền mặt. VisaNet, mạng lưới xử lý thanh toán tiên tiến của Visa chỉ ra rằng, trong năm 2019, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 39%, và tổng số giao dịch tăng 54% so với năm 2018.

"Sứ mệnh của Visa tại Việt Nam là mang đến cho người tiêu dùng những phương thức thanh toán hiệu quả, tiện lợi và an toàn nhất có thể, và mục tiêu này phụ thuộc nhiều vào mức độ đón nhận các công nghệ mới từ phía người tiêu dùng. Chính vì vậy, tôi rất vui khi kết quả khảo sát đã chứng minh rằng người tiêu dùng Việt Nam đang đón nhận những lợi ích mà các công nghệ thanh toán mang lại cho cuộc sống và sử dụng các phương thức thanh toán số với tần suất ngày càng tăng cao", bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, chia sẻ.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào

Ngoài ra, không chỉ cởi mở với thanh toán không tiền mặt, người tiêu dùng Việt Nam còn có độ tin tưởng cao vào định hướng của nhà nước và các giải pháp bảo mật đi động. Khảo sát của Visa cho biết, 73% người tiêu dùng Đông Nam Á ủng hộ các sáng kiến của chính phủ trong việc phát triển quốc gia không tiền mặt, trong đó người dân Việt Nam có tỉ lệ tán đồng với chủ trương này cao nhất (79%). Đồng thời, 81% người tiêu dùng trong khu vực cảm thấy thông tin cá nhân được bảo mật khi thực hiện thanh toán bằng thiết bị di động. Trong đó, Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia có mức độ tin cậy cao nhất từ người tiêu dùng.

Thêm vào đó, một yếu tố đóng vai trò then chốt khác, góp phần hiệu quả trong việc tăng tốc thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam là mức độ phát triển và chấp nhận các công nghệ thanh toán mới tại các điểm bán hàng. Vừa qua, Visa và NextPay, nhà cung cấp các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam, đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Mục tiêu của Visa và NextPay là cùng phát triển và mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam, phát triển 300.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam vào năm 2023.

Ngoài ra, nhờ thái độ tích cực của người tiêu dùng và đóng góp hiệu quả của các ngân hàng, công ty công nghệ thanh toán như Visa, Việt Nam cũng có nền tảng tốt để thực hiện công điện số 02 của Ngân hàng Nhà nước, ban hành đầu tháng 3/2020, về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể là tạo điều kiện cho người tiêu dùng và các điểm thanh toán tăng cường sử dụng thanh toán không tiếp xúc trong các giao dịch hằng ngày, Visa và đối tác đã triển khai chương trình ưu đãi khi thanh toán chạm với thẻ Visa tại hệ thống Saigon Co.op, Lotte Mart và chuỗi Starbucks để người tiêu dùng dễ dàng thanh toán trong thời điểm nhạy cảm này. Starbucks, một trong những chuỗi cà phê nhượng quyền thành công nhất tại Việt Nam, đã kết hợp với Visa để thúc đẩy thanh toán không tiếp xúc bằng việc trang bị các giá đỡ xoay được cho các máy đọc thẻ không tiếp xúc. Theo thống kê, bốn trên mười giao dịch bằng thẻ Visa tại Starbucks Việt Nam hiện đang ứng dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc.

Với xu hướng người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online, để giúp người dân tiêu dùng thuận tiện và tiết kiệm hơn, Visa đã hợp tác với nhiều đối tác kinh doanh trên thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Now, GrabFood, Fahasa… để đưa ra các chương trình tiêu dùng thuận tiện, tiết kiệm với nhiều tiện ích khi mua bán và thanh toán online bằng thẻ Visa. Tiếp tục trong tháng 6, sẽ có thêm nhiều chương trình mới mà Visa đầu tư cùng các đối tác để đem đến cho người tiêu dùng thêm các lợi ích gia tăng, hỗ trợ tốt nhất cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong giai đoạn phòng chống dịch.

Visa đồng thời yêu cầu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh. Với chủ trương này, thanh toán không tiền mặt càng có điều kiện thích hợp để tăng tốc hơn nữa.

Ánh Dương