Thế giới mất 8 tỉ USD vì sự cố mạng năm 2019

00:00 12/10/2020

Tổng thiệt hại của việc gián đoạn truy cập internet và mạng xã hội trên toàn thế giới lên mức 8 tỉ USD trong năm 2019 và dự đoán sẽ còn tăng lên trong bối cảnh bất ổn chính trị đang diễn ra.

Trong năm 2019, thế giới chứng kiến 122 vụ "shutdown" internet với tổng thời lượng 18.225 giờ, xảy ra ở 21 quốc gia, theo báo cáo của Top10VPN.com, một trang web có trụ sở tại London, Anh chuyên đánh giá các dịch vụ trên không gian mạng.
“Mất internet đưa toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số vào tình trạng bế tắc, đồng thời cũng gây thiệt hại lâu dài, đó là làm mất niềm tin của nhà đầu tư; và làm tổn thương nền kinh tế phi chính thức thông qua việc làm gián đoạn dòng tiền được kích hoạt bởi các nền tảng truyền thông xã hội và giao dịch tiền thông qua điện thoại di động”, Cameron Samuel Woodhams, người đứng đầu bộ phận bản quyền kỹ thuật số tại Top10VPN.com, phát biểu.
Khu vực Trung Đông và Bắc Phi ghi nhận những vụ gián đoạn internet tốn kém nhất từ trước đến nay, tổn thất 3,1 tỉ USD hồi năm ngoái. Nó được xem như một ví dụ điển hình về việc mất mạng internet bắt đầu ở Iraq và Iran để ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng.
Báo cáo của Top10VPN.com được đưa ra khi các hoạt động phản đối khiến chính phủ cắt mạng internet tiếp tục không suy giảm trên toàn thế giới. Nga thông qua luật về internet có hiệu lực vào ngày 1.11.2019, cho phép chính phủ chặn truy cập internet từ bên ngoài trong trường hợp khẩn cấp và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ sàn lọc hoặc chuyển hướng lưu lượng.
Hoặc Trung Quốc, với tường lửa, ngăn không cho dân tiếp cận các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Google và Facebook. Iran "shutdown" internet trên cả nước khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá khí đốt leo thang.
Năm quốc gia có nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự gián đoạn internet và mạng xã hội trong năm ngoái bao gồm Iraq, Sudan, Ấn Độ, Venezuela và Iran. Chi phí kinh tế toàn cầu tăng 235% từ 2,4 tỉ USD, theo ước tính của nhóm nghiên cứu Brookings Instunity. Các nền tảng truyền thông xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự "shutdown" internet chính phủ là WhatsApp, Facebook, Instagram, Twitter và YouTube.
PV