Thể chế vẫn cách xa thông lệ quốc tế

00:00 12/10/2020

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ 14/1/2019, được kỳ vọng tạo thêm xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng của CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế và năng lực của DN trong nước.

Kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã được “cởi trói”, phát triển mạnh mẽ

Lợi ích phụ thuộc thể chế  

Sau một năm CPTPP có hiệu lực cho thấy tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Việt Nam chưa cao. FDI đổ vào nhiều, nhưng tập trung chủ yếu ở những phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, sử dụng công nghệ trung bình, giá trị gia tăng trong nước thấp. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đã cải thiện chất lượng thể chế liên tục và nhất quán, nhưng vẫn còn một khoảng cách so với các nước trong CPTPP…

Đây là những khái quát chính được nêu lên tại Hội thảo với chủ đề “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình Hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Tại hội thảo, sau khi đánh giá tổng quan tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, mức độ sẵn sàng cho việc thực hiện Hiệp định CPTPP, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhấn mạnh, việc thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế.

Đơn cử như dịch vụ tài chính, Chính phủ đã và đang tiến hành những bước cải cách cần thiết để hài hòa hóa khung khổ của các nhóm dịch vụ này với cam kết trong CPTPP; nhưng do quá lo ngại nên còn khá chậm và một số định chế tài chính nước ngoài đã thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi Việt Nam. “Lo ngại về thách thức là cần thiết, song không nên đánh giá quá thấp khả năng cạnh tranh và thích ứng của các định chế, DN tài chính trong nước”, ông Dương nêu quan điểm. 

Cùng quan điểm rằng, CPTPP đang thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho rằng, các cam kết của CPTPP không chỉ là tiêu chuẩn mà còn là áp lực buộc thể chế phải cải cách, là sức ép cải cách. Các yêu cầu về thể chế của Hiệp định CPTPP rất gần với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bởi vậy, cơ hội về kinh tế trong CPTPP có thể là thấp nhưng nếu cộng hưởng với EVFTA thì sẽ rất là lớn. 

Phải vượt lên cam kết

Ở cấp độ DN, tuy mức độ quan tâm tới CPTPP có tăng, nhưng mức độ hiểu biết còn hạn chế khi các DN quá lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn. Đơn cử DN mới chỉ hiểu về thuế quan và cắt giảm thuế quan, chứ chưa thực sự hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, SPS, TBT… và thiếu các thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, và cải tiến công nghệ còn rất thấp. Trình độ và kỹ năng của người lao động và đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN còn hạn chế. Vì thế, DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Cơ hội mang lại từ CPTPP đối với DN là không nhỏ, như mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài; và cải thiện hiệu quả hoạt động khi thể chế kinh tế thị trường trở nên hoàn thiện hơn. Tuy nhiên DN cũng phải xử lý hiệu quả những thách thức, đặc biệt trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh; khả năng tận dụng cơ hội, nhất là hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác. 

Đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong thực thi CPTPP, các chuyên gia nhấn mạnh những yêu cầu về cải cách thể chế thương mại; thể chế đầu tư; thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan; thể chế liên quan đến sở hữu trí tuệ; phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư; chính sách ngành/công nghiệp… 

Hiện Việt Nam đã chủ động hơn trong cải cách thể chế kinh tế; môi trường kinh doanh đã có những thay đổi tích cực, trong đó vai trò quan trọng khu vực tư nhân được thừa nhận và được coi là xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khung khổ thể chế và pháp lý của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam nhìn chung vẫn chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của DN vẫn còn nhiều hạn chế.

Vì vậy TS. Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, cần phải có quyết tâm chính trị để nhất quán, liên tục ưu tiên thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, và một nền tảng quan trọng chính là cải cách thể chế kinh tế trong nước.

Tựu trung lại, thực thi “CPTPP không phải thực hiện theo cam kết, quan trọng hơn là vượt lên các cam kết vì sự hiệu quả”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh.

Kim Anh