Thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2019

00:00 12/10/2020

Bước sang năm 2019, cơ hội và thách thức nào đang chờ đón kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng? Tạp chí Doanh nghiệp & hội nhập ghi lại ý kiến của các chuyên gia kinh tế xung quanh chủ đề này.

Ts Cấn Văn Lực- Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV): Cần giao chỉ tiêu kinh doanh, điều hành đối với lãnh đạo bộ, ngành, địa phương

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nước nói chung và Việt Nam nói riêng, đều có 3 điểm nghẽn chính là đất đai, tiếp cận vốn, tài chính, thuế và thủ tục hành chính. Các điểm nghẽn này, thời gian qua chúng ta đã có nhiều cải thiện nhưng còn rất nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến đất đai. Năm 2018 đã có nhiều quyết liệt, nhiều cải thiện, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, được quốc tế và doanh nghiệp trong nước ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, các bộ, ngành, các địa phương vẫn phải tiếp tục và cần thực chất hơn, cái gì không cần thiết thì phải cắt bỏ. Theo tôi, cần giao chỉ tiêu kinh doanh, chỉ tiêu điều hành đối với các lãnh đạo bộ, ngành và địa phương. Nếu như không hoàn thành nhiệm vụ phải có đánh giá, xem xét, có chế tài cụ thể. Tích cực phối hợp giữa Hội đồng Tư vấn cải cách, thủ tục hành chính của Thủ tướng với các cơ quan bộ, ngành, địa phương chặt chẽ hơn để ngồi được với nhau và bàn soạn xem cái gì cần bỏ, cái gì cần giữ mà đã bỏ là phải bỏ thật. Bước sang năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ gặp thách thức hơn, khó khăn hơn nên Chính phủ cũng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng thấp, từ từ 6,6 đến 6,8%. Năm tới áp lực về lạm phát, tỉ giá, lãi suất tăng vẫn còn nhiều và diễn biến về các rủi ro bên ngoài như chiến tranh thương mại, địa chính trị, các ngân hàng TW tăng lãi suất. Còn về nội tại, tiến trình tái cơ cấu của chúng ta vẫn còn chưa chuẩn, cải thiện môi trường kinh doanh phải tiếp tục và cùng đó việc phối hợp chính sách cần phát huy tốt.

Bà Nguyễn Minh Thảo- Trưởng Ban môi trường Kinh doanh & Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương:Vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp:  

Từ năm 2014, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Cụ thể, năm 2014 chúng ta xếp hạng thứ 78, năm 2015 là 90, năm 2016 là 82, năm 2017 là 68 và 2018 là 69. Trong đó, hiệu quả logistics được cải thiện nhiều nhất trong thập niên vừa qua, từ xếp hạng 53 năm 2007 lên 39 năm 2018. Thời gian qua đã có 15 nghị định được ban hành, tuy vậy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm. Theo đánh giá của chúng tôi, năm 2018, cải cách điều kiện kinh doanh đã đạt được một phần nhưng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh cần phải rà soát, cần có những kiến nghị và quan trọng hơn là làm sao để hiện thực hóa nó bởi vẫn còn có những doanh nghiệp phải chạy ngược chạy xuôi để lo các thủ tục giấy tờ liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa… Trên thực tế, tại một số bộ phận hành chính, thủ tục còn khá rườm rà, gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp… Điều này cho thấy nỗ lực của chúng ta đã làm nhưng chưa đủ mạnh, chưa có chiều sâu và chưa đủ hiệu quả để cải thiện môi trường kinh doanh. Do đó, cần có sự vào cuộc rộng rãi và mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương. Nghị Quyết 02 của Chính phủ ban hành 1/1/2019 thay thế Nghị quyết 19 mang tên là môi trường kinh doanh tập trung vào 5 nội dung chính: Điều kiện kinh doanh; quản lý chuyên ngành; thương mại điện tử; dịch vụ công trực tuyến; đổi mới sáng tạo, trong đó môi trường kinh doanh là nội dung trọng tâm mà Chính phủ đầu tư và có những chỉ đạo trực tiếp. Có thể nói đó là sự bứt phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết đã có, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp triển khai chặt chẽ, kịp thời và linh hoạt để Nghị quyết thực sự đi vào thực tế.

Ts. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:Nội tại của nền kinh tế có “sự đình trệ”:

Nền kinh tế Việt Nam “rất mở”, do đó sẽ chịu nhiều tác động của nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng gặp những thách thức riêng trong việc tạo dựng nền tảng cho phát triển. Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam sẽ như “bức tranh pha trộn những sắc màu” với những điểm đáng chú ý: Nền kinh tế thế giới được dự báo chững lại và thậm chí là giảm đôi chút. Cùng với đó, thương mại thế giới cũng có nguy cơ giảm sút. Các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam có “sự đình trệ” trong bộ máy như các hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không đạt chỉ tiêu; hoạt động đầu tư công gần như không có dự án lớn được triển khai. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do Chính phủ thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa… Về môi trường kinh doanh trong nước, số liệu thống kê ghi nhận có tới 131.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng cùng với đó, có tới 91.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo nhiều lý do khác nhau. Điều này thể hiện điều kiện gia nhập thị trường ở Việt Nam đã “tốt lên rất nhiều” nhưng chất lượng quản lý, vấn đề cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực trong nước còn nhiều vấn đề. Các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, Việt Nam - EU đang giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động… Những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc theo đuổi mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển cũng được đánh giá sẽ đem lại nhiều chuyển biến tích cực.Việt Nam có những cơ hội (trong ngắn hạn) từ việc chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chính sách chiến lược của một số nước trong khu vực, như Hàn Quốc với “Chính sách hướng Nam mới” mà trong đó Việt Nam là một trong những nước dành được nhiều sự quan tâm.

Ts. Lê Đăng Doanh- Chuyên gia kinh tế:Cần tranh thủ tối đa CPTPP để giao thương

Năm 2019 tiếp tục kế thừa và thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách của Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng qua các Nghị quyết 01, 02. Trong Nghị quyết 02, Chính phủ nêu rất rõ công việc của từng cơ quan và giao cho Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giám sát, theo dõi việc thực hiện. Đây là bước tiến bộ. Vấn đề là phải có động lực và chế tài gì để cán bộ, công chức thực hiện. Đó là phải cải cách bộ máy, chọn lựa được người tài vào làm việc. Đặc biệt, phải thực hiện mạnh mẽ công nghệ thông tin, phải thực hiện các Nghị quyết về công nghệ thông tin, quan trọng nhất là phải đào tạo bồi dưỡng cho mọi người có kỹ năng, xóa mù về công nghệ thông tin, Internet. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tổ chức hướng dẫn và đào tạo việc này. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có quỹ để khuyến khích, giúp đỡ, đào tạo bồi dưỡng và hướng dẫn các doanh nghiệp kết nối. Kinh tế thế giới chưa ổn định và gặp rất nhiều thách thức, quan hệ thương mại Mỹ - Trung có thể đạt được một thỏa thuận nào đấy nhưng điều đó có lâu dài không, sẽ tác động đến rất nhiều mặt vì Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ đến 10%, hàng hóa Trung Quốc rất rẻ nay còn rẻ nữa. Trước tình hình đó rất cần vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp nghiên cứu tình hình, thông báo cho doanh nghiệp kịp thời và dự báo trước có thể sẽ có diễn biến thế nào, cơ hội và thách thức ở đâu. Đồng thời chỉ ra cho doanh nghiệp biết cần phải cải thiện cái gì, tranh thủ tối đa CPTPP với các nước Nhật, Canada để giao thương. Phải phát huy vai trò kinh tế tư nhân...

Trí Kiên- An Thảo