Tạo động lực cho tăng năng suất lao động

00:00 12/10/2020

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong ASEAN, nhưng mức năng suất lao động vẫn rất thấp so với các nước khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Để giải quyết vấn đề này, hôm nay (7/8), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị "Cải thiện năng suất lao động quốc gia".

Khoảng cách ngày càng lớn

Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 102,2 triệu đồng/ lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh tăng 6% so với năm 2017.

Bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011- 2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm.

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,4%/năm), Malaysia (2%/năm), Thái Lan (3,2%/năm), Indonesia (3,6%/năm), Philippines (4,4%/năm).

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% NSLĐ của Philippines.

Chênh lệch mức NSLĐ (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.566 USD năm 2011 lên 141.276 USD năm 2018, Malaysia từ 42.397 USD lên 47.545 USD, Thái Lan từ 14.985 USD lên 18.973 USD, Indonesia từ 11.480 USD lên 13.707 USD, Philippines từ 6.171 USD lên 8.776 USD.

"Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước", báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế… là những yếu tố khiến cho NSLĐ của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN.

Trong đó, phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ông Lâm cho biết, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng thấp.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò khá quan trọng vào tăng NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Qua nghiên cứu cho thấy đóng góp của chuyển dịch cơ cấu lao động vào tăng trưởng của NSLĐ ở Việt Nam vẫn ở mức cao nhưng có xu hướng giảm, trong giai đoạn 2011-2017 đạt 39%, thấp hơn mức 54% của giai đoạn 2000-2010.

Điều này cũng phù hợp với quy luật phát triển của các nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi, tăng NSLĐ sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng NSLĐ nội ngành. Tuy nhiên đến nay chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, chủ yếu vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp, làm cho mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn dắt tăng trưởng NSLĐ nhưng tập trung cao ở những sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp đến trung bình. Trong khi đó, ngành công nghệ cao tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại hoạt động ở khâu lắp ráp, nhập khẩu linh kiện, có giá trị trong nước tương đối thấp. Đồng thời, ngành công nghệ cao chủ yếu tận dụng lao động chi phí giá rẻ, chưa có nhiều tác động lan tỏa đối với khu vực trong nước nên chưa tạo đột phá về tăng trưởng NSLĐ.

Bên cạnh đó, tại phần lớn doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là DN dân doanh, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều DN đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.

Chú trọng năng suất quốc gia

Để nâng cao NSLĐ, ông Lâm kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về NSLĐ có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, cử các đoàn sang học tập kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.

Đặc biệt, chọn một tháng trong năm là "Tháng năng suất quốc gia" nhằm thúc đẩy phong trào tăng NSLĐ, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của toàn xã hội đối với việc thúc đẩy tăng NSLĐ. Hỗ trợ DN tạo liên kết chặt chẽ với khu vực FDI, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tỷ trọng cung ứng sản phẩm, linh kiện, chi tiết nội địa cho các DN FDI.

Theo Bộ KH&CN, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, và gần đây là Campuchia đã dành sự quan tâm và đầu tư lớn vào vấn đề năng suất quốc gia thông qua xây dựng và phát triển được các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của đất nước.

Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, trong đó các trụ cột khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về năng suất và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng khi nền kinh tế càng phát triển, Việt Nam cũng như nhiều nước khác đi trước gặp một thách thức của nguyên tắc leo núi là "càng lên cao càng leo chậm". Vì vậy, Việt Nam cần đặc biệt ưu tiên tăng NSLĐ dựa trên nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Theo hướng này, khuyến khích những mô hình kinh tế mới trên nền tảng của cuộc cách mạng số nhằm nâng cao NSLĐ sẽ tạo cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh, qua đó đạt được những mục tiêu phát triển của mình.

Thy Lê