Sau gần 3 năm thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV: Chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp

14:26 19/10/2020

Với kỳ vọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), năm 2018, Luật Hỗ trợ DNNVV chính thức có hiệu lực được xem là giải pháp để tránh tình trạng“trên nóng dưới lạnh”, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DNNVV vươn lên trở thành động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thi hành, các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng“dài cổ đợi hỗ trợ...”.

Luật hỗ trợ DNNVV mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Luật chậm đi vào cuộc sống

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận của cộng đồng doanh nghiệp. Quy mô không lớn, tiềm lực không nhiều; các DNNVV chỉ như là lực lượng “dân quân du kích” bên cạnh “bộ đội chủ lực”; nhưng DNNVV chính là lực lượng khai thác hiệu quả các tiềm năng về nguồn lực nội địa như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên lao động, có nhiều đóng góp cho ngân sách và công tác an sinh xã hội, trực tiếp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương... nhưng do quy mô nhỏ, tiềm lực mỏng nên DNNVV cần được hỗ trợ về một số lĩnh vực mà Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định.

Việt Nam hiện có khoảng trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, DNNVV chiếm khoảng 98%. Trong những năm qua, DNNVV có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tới 45% trong GDP, khoảng trên 31% tổng số thu ngân sách nhà nước và thu hút hơn 5 triệu lao động có công ăn việc làm, ổn định kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. DNNVV đã có mặt ở hầu hết các vùng, miền, địa phương, tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của DNNVV vẫn còn gặp những khó khăn do tác động từ các yếu tố khách quan và chủ quan, Đặc biệt là đại dịch Covid 19 vùa qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp vào nền kinh tế. 

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khu vực DNNVV, thời gian qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm phát triển doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các DNNVV.  Cùng với việc ban hành một số chính sách hỗ trợ DNNVV, ngày 12/06/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo Luật này, DNNVV sẽ được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trong tiếp cận tín dụng, chính sách thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, mở rộng thị trường; thông tin tư vấn pháp lý, phát triển nguồn nhân lực. Ngoài chính sách hỗ trợ cơ bản nêu trên, Nhà nước còn thực hiện chính sách hỗ trợ trọng tâm đối với DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Đại diện nhiều DNNVV cho biết, họ hầu như không biết và không tiếp cận được tới các chính sách này, các chính sách đã có thì manh mún, không đồng bộ nên được ở khâu này thì lại bị tắc ở khâu khác, việc triển khai thủ tục tiếp cận hỗ trợ mang nặng tính xin cho, khiến DNNVV không có đủ lực để theo đến cùng cho các hỗ trợ này.

 

Ảnh minh họa, Nguồn: Internet

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Nguyễn Thanh Cảnh - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Doanh nghiệp thì vẫn đang ngóng chờ những chính sách hỗ trợ nhưng “trên thì rất nóng nhưng dưới thì nguội tanh”. Luật Hỗ trợ DNNVV có rồi, Nghị quyết 35, 11,19 cũng có rồi, về định hướng, Chính phủ trang bị đầy đủ rồi nhưng thực hiện rất chậm, “nói 10 chưa thực hiện 1”. Hiện vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh tồn tại mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý.

Đồng quan điểm trên, bà Lương Thu Hường - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, Giám đốc Công ty In Bao Bì & Giấy Đức Trường, chia sẻ: Mặc dù Luật Hỗ trợ DNNVV đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên thực tiễn triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết...Thậm chí  đến thời điểm này, Luật chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp, chưa được như kỳ vọng. Dù đã có quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng chuyện tiếp cận vốn vẫn rất khó khăn. Ngân hàng vẫn yêu cầu phải có bảo hiểm tín dụng và có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng kêu khó khăn về tiếp cận đất đai, mở rộng nhà xưởng sản xuất…

Minh chứng cụ thể về những khoảng trống của Luật Hỗ trợ DNNVV, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang- TS. Phùng Văn Minh cho hay: Sau gần 3 năm triển khai thi hành Luật trên toàn quốc, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ  để các điều khoản hỗ trợ của Luật có giá trị thiết thực đối với hoạt động của các DNNVV. Xét về mức độ tổng thể, khái quát các lĩnh vực ưu đãi của Luật Hỗ trợ DNNVV, các doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, đổi mới công nghệ, tư vấn pháp lý. Điều này được thể hiện qua đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế.

 “Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn rất chậm đi vào cuộc sống, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Luật vẫn chưa được triển khai thực hiện như: Chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho DNNVV; hướng dẫn thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cho DNNVV; hướng dẫn thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư. Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đã được hướng dẫn, song, chính sách miễn thuế môn bài 3 năm, miễn lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật chưa đủ lợi ích, hấp dẫn để thu hút hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp… Luật Hỗ trợ DNNVV chưa tạo được nhiều tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp”, TS Phùng Văn Minh đánh giá.

 Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Lấp khoảng trống trong Luật như thế nào?

Để tạo điều kiện cho các DNNVV vượt qua khó khăn, duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, cộng đồng DNNVV mong muốn sẽ có thêm sự đồng hành bằng việc đưa Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả hơn. 

Theo TS Phùng Văn Minh, trước hết cần thay đổi tư duy, thừa nhận vai trò của DNNVV, trên cơ sở xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp lớn; cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là về đất đai, thuế, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản đảm bảo...; tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các DNNVV có niềm tin, tạo động lực và sức bật để phát triển. Tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Hiệp hội đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục miễn, giảm tiền thuê đất cho DNNVV chịu ảnh hưởng của dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DNNVV bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, như các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ... để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch. Đối với các DNNVV, cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, quản trị điều hành để đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng và các chính sách hỗ trợ khác của Luật. DNNVV cần tích cực tham gia các Hiệp hội Doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Chính phủ, Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.

Còn theo ông  Bùi Ngọc Tường - Thường trực Ban chấp hành Hiệp hội các DNNVV TP Hà Nội, Chính phủ đề ra chủ trương, phương hướng tốt nhưng đi vào thực tiễn thì bên dưới có rất nhiều rào cản.Để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; đặc biệt là các thủ tục, trình tự thẩm định các bước về các dự án đầu tư, xây dựng, đất đai... Vì hiện nay vẫn phải qua quá nhiều khâu, mất quá nhiều thời gian, từ đó mất nhiều cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư. Cùng đó, các cơ quan nhà nước phải thực chất chung tay cùng doanh nghiệp, vì doanh nghiệp để Luật Hỗ trợ DNNVV không chỉ mang lại niềm tin ý chí cho doanh nghiệp mà phải đi vào cuộc sống, tạo thành sức mạnh của doanh nghiệp, sức mạnh của nền kinh tế. Chúng tôi rất phấn khởi trước việc Chính phủ đã khai trương cổng thông tin điện tử Quốc gia, và cũng hy vọng đây sẽ là một bước để thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Các quy định hỗ trợ DNNVV đã được Luật hóa với các tình huống, quy phạm và chế tài nhưng vì sao DNNVV vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc? Đây chính là những nút thắt chủ quan từ các cơ quan hành chính nhà nước và cả từ các doanh nghiệp, gây trở ngại cho quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống. Cải cách hành chính, cải cách thể chế phù hợp, hướng tới lợi ích của cả nhà nước và doanh nghiệp luôn là mong đợi của xã hội.

Gia Gia – Bảo Trinh