Những thủ tục cần thiết khi tham gia BHXH

00:00 12/10/2020

BHXH tự nguyện là “tấm lưới” an sinh đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong khu vực phi chính thức. Theo bà Đinh Thị Thu Hiền – Phó trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm xã hội tự nguyện do người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Bà Đinh Thị Thu Hiền – Phó trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHXH (bên phải): Bảo hiểm xã hội tự nguyện do người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

- Bố tôi tham gia BHXH được 19 năm (trong đó có 16 năm đóng BHXH bắt buộc, 3 năm đóng BHXH tự nguyện) thì mất. Hỏi thân nhân của ông có được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hay không? (Thùy Trang, Đồng Nai)

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Theo quy định tại Điều 71 Luật BHXH năm 2014 và Điểm a, Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP thì: Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện nếu có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần thì khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 67 Luật BHXH 2014.

Trường hợp bố của bạn có 16 năm đóng BHXH bắt buộc khi mất thì các thân nhân của Ông nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

- Quy định chung về mức đóng, phương thức đóng, thời gian đóng và điều kiện hưởng đối với người tham gia BHXH tự nguyện như thế nào? (Trịnh Văn Long, Quảng Trị)

Ông Nguyễn Hồng Cường: Về mức đóng: bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở (thời điểm hiện tại thấp nhất là 700.000 đồng/tháng, cao nhất là 27.800.000 đồng/tháng).

Về phương thức đóng: có thể lựa chọn đóng hàng tháng; đóng 3 tháng/lần; đóng 6 tháng/lần; đóng 12 tháng/lần và đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần.

Thời gian đóng: Đóng trong tháng đối với phương thức đóng hàng tháng; 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng; 4 tháng đầu đối phương thức đóng 6 tháng/lần; 7 tháng đối với phương thức đóng 12 tháng/lần. Tại thời điểm đăng ký phương thức đóng 1 lần cho nhiều năm về sau.

Điều kiện hưởng:

- Lương hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; đủ 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam.

- Hưởng BHXH 1 lần khi có đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH.

- Thân nhân hưởng trợ cấp mai táng khi đóng đủ BHXH tự nguyện từ 60 tháng trở lên. 

- Thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 1 lần khi người đang đóng BHXH tự nguyện bị chết.

- Tôi tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2012, năm nay tôi 35 tuổi, vậy tôi phải đóng BHXH tự nguyện bao nhiêu năm nữa để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí? Nếu có vấn đề gì tôi không tham gia được nữa thì tôi có được hưởng BHXH một lần không? Nếu được thì mức hưởng 1 lần được tính như thế nào? (Ngọc Hà, Hà Đông, Hà Nội) 

Bà Đinh Thị Thu Hiền:  Theo quy định tại Điều 73 Luật BHXH năm 2014, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. 

Như vậy, đề nghị bạn đối chiếu quy định nêu trên để tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH thì sẽ được hưởng lương hưu. 

Nếu bạn không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện được nữa thì việc hưởng BHXH 1 lần sẽ được đáp ứng nếu bạn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật BHXH và khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội. 

Về mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 77 Luật BHXH.

- Tôi tham gia BHXH tự nguyện được 06 năm 3 tháng. Vậy khi tôi mang bầu, sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không? Con tôi ốm tôi có được hưởng chế độ con ốm không? (Hoàng Mai, Tuyên Quang)

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Theo quy định tại Luật BHXH hiện hành đối với chế độ BHXH tự nguyện chỉ quy định đóng và hưởng 02 chế độ là hưu trí và tử tuất, không áp dụng đối với các chế độ ốm đau, thai sản. Vì Bạn tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng BHXH cho hai chế độ này nên khi sinh con Bạn không được hưởng chế độ thai sản, khi con ốm đau Bạn không được hưởng chế độ ốm đau.

Tôi tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa được cấp sổ BHXH. Vậy tôi muốn biết về thời hạn trong bao lâu thì tôi đươc cấp sổ BHXH? (Nguyễn Kim Kha, TP HCM)

Bà Nguyễn Lệ Thu (bên phải) - Phó Phòng quản lý sổ thẻ đang giao lưu với độc giả.

Bà Nguyễn Lệ Thu: Thời hạn cấp mới sổ BHXH: Đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện: Không quá 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định. Trường hợp bạn đề nghị cấp lại sổ do thay đổi họ tên, chữ đệm; ngày tháng năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch do mất hỏng; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH: Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định. Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết.

Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH: Không quá 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Trường hợp xác nhận sổ BHXH: Không quá 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

- Trước đây tôi có làm việc cho 1 công ty ở Móng Cái và tham gia BHXH được 18 năm. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, tôi nghỉ việc ở nhà vì lý do gia đình. Tôi được biết, trường hợp của tôi có thể tham gia BHXH tự nguyện để nhận lương hưu sau này. Vậy tôi xin hỏi để tham gia BHXH tự nguyện tôi cần những thủ tục gì? Tôi phải đóng BHXH tự nguyện trong thời gian bao lâu nữa để được hưởng lương hưu? Trường hợp như tôi vừa tham gia BHXH tự nguyện vừa tham gia BHXH bắt buộc thì mức hưởng lương hưu được tính như thế nào? (Trần Hưng Nguyên, Nghệ An)

 

Ông Nguyễn Hồng Cường - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Ban Thu, BHXH Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Cường: Để tham gia BHXH tự nguyện bạn chỉ cần ghi số sổ BHXH (hoặc mang quyển sổ BHXH) đến đại lý thu (bưu điện văn hóa xã, ủy ban nhân dân xã hoặc cơ quan BHXH nơi bạn sinh sống) để đăng ký tham gia. 

Để được hưởng lương hưu bạn phải đóng BHXH tối thiểu 2 năm.

Trường hợp của bạn vừa tham gia BHXH tự nguyện vừa tham gia BHXH bắt buộc cần đủ 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam và đủ có 20 năm đóng BHXH (bao gồm cả tự nguyện và bắt buộc) trở lên thì mức hưởng 55% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi mỗi năm đóng BHXH cộng thêm 2%.

-Tôi 60 tuổi, tham gia BHXH bắt buộc được 12 năm, sau đó tham gia BHXH tự nguyện được 4 năm, như vậy tôi có được hưởng lương hưu hàng tháng không? (Hoàng Thanh Trung, Bình Phước)

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật BHXH năm 2014 về điều kiện hưởng lương hưu thì Ông/Bà đủ điều kiện về tuổi đời nhưng không đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH (chỉ có 16 năm đóng BHXH) nên chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Để được hưởng lương hưu hàng tháng, Ông/Bà có thể lựa chọn đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm theo các phương thức sau:

- Tôi tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2012, năm nay tôi 35 tuổi, vậy tôi phải đóng BHXH tự nguyện bao nhiêu năm nữa để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí? Nếu có vấn đề gì tôi không tham gia được nữa thì tôi có được hưởng BHXH một lần không? Nếu được thì mức hưởng 1 lần được tính như thế nào? (Ngọc Hà, Hà Đông, Hà Nội) 

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Theo quy định tại Điều 73 Luật BHXH năm 2014, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. 

Như vậy, đề nghị bạn đối chiếu quy định nêu trên để tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH thì sẽ được hưởng lương hưu. 

Nếu bạn không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện được nữa thì việc hưởng BHXH 1 lần sẽ được đáp ứng nếu bạn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật BHXH và khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội. 

Về mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 77 Luật BHXH.

- Trước đây, khi làm ở DN tôi đã tham gia BHXH 15 năm. Sau khi thôi việc năm 2016, tôi ở nhà làm tự do và vẫn giữ sổ BH tại nhà. Năm nay tôi 54 tuổi, là nam giới. Xin được tư vấn tôi đã đủ điều kiện nhận BHXH 1 lần chưa? Nếu đủ, tôi nên nhận BHXH 1 lần hay tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để sau này nhận lương hưu? Nếu tôi tham gia BHXH tự nguyện thì cần tham gia tối thiểu bao nhiêu thời gian nữa? Thủ tục tham gia như thế nào, ở đâu? (Lê Đình Dũng, Thanh Hóa). 

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày  22/6/2015 với thông tin ông cung cấp thì ông đủ điều kiện hưởng trợ cấp BHXH 1 lần. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống khi về già đối với bản thân ông và giảm gánh nặng đối với gia đình và xã hội thì ông nên tiếp tục tham BHXH tự nguyện để đủ điều kiện về tuổi (60 tuổi) và 20 năm đóng BHXH trở lên để sau này được nhận lương hưu. 

Nếu ông tham gia BHXH tự nguyện thì cần tham gia tối thiểu 5 năm và khi ông đủ 60 tuổi sẽ được hưởng lương hưu.

Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện: Ông có thể đến đại lý thu (bưu điện hoặc UBND xã) hoặc cơ quan BHXH cung cấp mã số BHXH và đăng ký tham gia. Trong trường hợp ông chưa có mã số BHXH thì ông mang theo sổ BHXH để được đăng ký tham gia tiếp.

- Chồng tôi đóng BHXH tự nguyện được hai năm. Cách đây khoảng 2 tháng chồng tôi không may qua đời. Vậy chế độ mà chồng tôi được hưởng như thế nào? (Lại Thị Loan, tỉnh Bình Dương)

Ông Nguyễn Hồng Cường: Thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 1 lần khi người đang đóng BHXH tự nguyện bị chết. Mức hưởng bằng 3 tháng (mỗi năm 1,5 tháng) mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu thời gian đóng BHXH tự nguyện trước năm 2014 và bằng 4 tháng (mỗi năm 2 tháng) nếu đóng BHXH tự nguyện sau năm 2014.

Trước đây tôi làm cán bộ xã đến năm 2015 thì nghỉ việc, thời gian đóng BHXH của tôi được 15 năm. Nay tôi muốn đóng BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí thì thời gian làm cán bộ xã có được cộng với thời gian đóng BHXH tự nguyện không? (Bùi Thị Anh, Cần Giờ, TP HCM)

Bà Nguyễn Lệ Thu: Căn cứ theo khoản 1 điều 5 nghị định 134/2015/NĐCP ngày 29/12/2015 của Chính Phủ: “Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng BHXH 1 lần”. Như vậy, nếu thời gian làm cán bộ xã bạn chưa hưởng BHXH 1 lần thì được cộng với thời gian đóng BHXH tự nguyện để giải quyết chế độ BHXH.

Nhóm PV Baophapluat.vn