Như Xuân, Thanh Hóa: Phát triển du lịch xứng tầm với tiềm năng

00:00 12/10/2020

Là một huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa, huyện Như Xuân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với du lịch tâm linh. Tận dụng ưu thế của địa phương,những năm gần đâyhuyện Như Xuân đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.

Tiềm năng sẵn có

Toàn huyện Như Xuân có khoảng 20 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, nơi đây lại là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc về văn hóa xã hội. Huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng gồm núi, rừng, sông hồ và hang động như: núi Bù Mùn, thác Đồng Quan, thác Cổng Trời, hang Dơi… Trong đó có thể nói thác nước chính là điểm nhấn của bức tranh sơn thủy hữu tình vùng sơn cước này. Thác nước Đồng Quan nằm quanh khu vực chân của đỉnh Pù Mùn của đồng bào dân tộc Thổ. Từ xa, dòng thác nhìn như dải lụa trắng thướt tha, uốn lượn vắt ngang qua sườn núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên hút hồn du khách. Thác nước nằm giữa không gian rừng nguyên sinh tràn ngập sắc xanh và mùi hương hoa rừng tạo nên vẻ thơ mộng và kỳ thú.

Danh lam thắng cảnh thác nước Đồng Quan

Tới đây, du khách được hưởng một vùng khí hậu mát mẻ trong lành, được thưởng thức các món ăn dân tộc với nguyên liệu sẵn có ở địa phương, được thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ, nét văn hóa dân gian đặc sắc...

Vườn Quốc gia Bến En nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Như Xuân được định hướng là một điểm đến du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài tỉnh với nhiều dự án đầu tư đã và đang được triển khai.

Cùng với du lịch sinh thái, Như Xuân còn quan tâm phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch cộng đồng. Huyện Như Xuân là nơi sinh sống của đồng bào người dân tộc Thái, Mường, Kinh và Thổ với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, ẩm thực, lễ hội đặc sắc, nhiều trò chơi dân gian như: Lễ hội Đình Thi nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thổ, lễ hội Dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian của cộng đồng dân tộc Thái… Công trình di tích đền Chín Gian đã được trùng tu, tôn tạo, là địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhân dân địa phương và du khách.

Di tích lịch sử đền Chín Gian

Các chương trình phát triển du lịch

Để tận dụng được tiềm năng, lợi thế về du lịch, Ban chấp hành đảng bộ huyện Như Xuân đã xây dựng nhiều chương trình hành động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phấn đấu đến năm 2020 du lịch Như Xuân được đưa vào tour, tuyến du lịch của tỉnh.

Huyện đã đầu tư tôn tạo di tích lịch sử văn hóa tâm linh đền Chín Gian, phát huy có hiệu quả lễ hội Đình Thi của đồng bào dân tộc Thổ, khôi phục lễ hội dâng Trâu tế trời của dân tộc Thái, đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường, bể bơi, đập ngăn nước, cầu bê tông, nhà điều hành, hệ thống nhà chòi vào danh lam thắng cảnh thác Cổng Trời, thác Đồng Quan.

 Bên cạnh đó huyện cũng đã xây dựng phương án giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như các trò chơi, trò diễn dân gian, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu men lá, đan lát... Các sản phẩm ẩm thực truyền thống như thịt trụ, gà nướng, vịt nấu canh chua, cơm lam, canh bồi... hoặc các loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu như khua luống, khặp thái, múa bắt nhái, cồng chiêng, hát xường...

Để phát triển du lịch thì việc cải thiện môi trường du lịch, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút các doanh nghiệp, các dự án vào các điểm du lịch trên địa bàn cần chú trọng hơn cả. Xây dựng và triển khai kế hoạch liên kết các huyện lân cận nhằm kết nối, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch. Trang bị những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, giao tiếp ứng xử với khách du lịch cho cộng đồng dân cư.

Ông Đàm Văn Thông, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Như Xuân chia sẻ: Phát triển du lịch góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hơn nữa các cụm du lịch của huyện chủ yếu nằm giáp gianh với các khu rừng nên phát triển du lịch còn góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộtrên địa bàn. Ngày 29/6/2018, UBND huyện Như Xuân đã có tờ trình tới UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ, dự toán kinh phí Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng hiện có gắn với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Minh Hiền