‘Mua” điện qua… face book, Zalo

00:00 12/10/2020

Chỉ cần vài click trên điện thoại thông minh qua các ứng dụng như zalo, facebook, webchat… khách hàng của ngành điện đã được ghi nhận và giải đáp những yêu cầu về cung cấp dịch vụ điện

“Không cần phải đi lại nữa”

“Từ lần đầu lắp công tơ vào cuối 2018 đến nay, tôi không còn gặp nhân viên điện lực, mọi thủ tục từ trả tiền, hóa đơn, thắc mắc đều qua mạng cả mà thông suốt hết ”, chị Võ Thị Hương (phố Xuân Diệu, quận Tây Hồ) tỏ ra hài lòng khi nói về trải nghiệm dịch vụ trực tuyến của ngành điện.

Chị Hương kể, một ngày cuối năm 2018, do chuyển nhà nên chị được một đồng nghiệp mách nước vào mạng trung tâm dịch vụ khách hàng của EVN Hà Nội để làm hợp đồng mua điện.

“Chỉ đôi cái nhấp chuột, tôi được gửi đường link “Phiếu tiếp nhận yêu cầu mua điện sinh hoạt” và khai vài thông tin cơ bản. Ngày hôm sau, 2 nhân viên điện lực Tây Hồ xuống tận nơi mang theo hợp đồng đã in sẵn, xem 2 bản phô tô chứng minh và giấy tờ nhà xong thì ký hợp đồng. Đúng 1 ngày sau tôi được lắp công tơ và đóng điện”, chị Hương nhớ lại.

Chị Hương là 1 trong số hơn 9,6 triệu khách hàng mà ngành điện trong năm 2018 đã tiếp nhận yêu cầu qua các hình thức trực tuyến. Trong đó có khoảng gần 8 triệu yêu cầu( 82,3%) được tiếp nhận gián tiếp qua các kênh như Zalo, Facebook, cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, các website chăm sóc khách hàng... Chỉ còn lại 17% yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận trực tiếp tại các Phòng Giao dịch. Như tại Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVN NPC), ông Lê Quang Thái, Phó tổng giám đốc cho biết, từ tháng 12.2017 đến tháng 12.2018, hơn 10 triệu khách hàng tại 27 tỉnh, thành phố đã được thụ hưởng những tiện ích dịch vụ điện trực tuyến mang lại.

“Trước đây, để tiếp cận được một dịch vụ điện, khách hàng phải đi lại nhiều lần. Giờ đây, với dịch vụ điện trực tuyến, khách hàng có thể ngồi bất cứ đâu, chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại có kết nối Internet là có thể đăng ký mà không cần đến trụ sở điện lực. Khách cũng không cần phải công chứng các loại giấy tờ liên quan; không cần phải đi lại nhiều lần”, ông Thái nói.

Đặc biệt, theo ông Thái, do địa bàn quản lý phần lớn là khu vực nông thôn, miền núi, tỷ lệ người dân dùng máy tính chưa nhiều, do vậy, việc đa dạng các kênh tiếp nhận dịch vụ sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có nhiều lựa chọn. “Từ tháng 4.2018, chúng tôi đã chính thức cung cấp dịch vụ qua việc Chat Online với khách hàng trên các kênh Zalo, Facebook, WebChat... Đồng thời, nâng cấp ứng dụng trên các thiết bị điện thoại thông minh, điều này khiến khách hàng rất thích thú”, ông Thái nói thêm.

Số 1 về thanh toán hóa đơn điện tử

Tuy nhiên, nói đến “số hóa dịch vụ” thì không thể không kể đến Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) . Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, trong năm 2018, có gần 98% trên tổng số 1,6 triệu yêu cầu của khách hàng được giải quyết trực tuyến cấp độ 4 - cấp độ cao nhất. “Đặc biệt, TP.HCM cũng đi đầu về thanh toán không dùng tiền mặt khi tính đến tháng 12.2018 có 90.51% tổng số hóa đơn tương đương với 97,89% tổng số tiền điện được thanh toán mà không cần dùng tiền mặt”, ông Bảo nói.

Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng là doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành công tác tự động hóa lưới điện, qua đó, góp phần đẩy nhanh lộ trình phát triển lưới điện thông minh và nâng cao năng lực quản lý vận hành, về đích trước 2 năm theo kế hoạch 5 năm EVN giao.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, từ cuối tháng 12.2018, EVN đã chính thức cung cấp các “dịch vụ điện trực tuyến” cấp độ 4 - cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ. “Đến nay, tập đoàn đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến qua 5 Website Chăm sóc khách hàng và tại Chuyên mục “EVN & Khách hàng” trên Website EVN. Đồng thời, thực hiện kết nối cung cấp dịch vụ điện tại Trung tâm Hành chính công và các Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến tại 63/63 tỉnh/thành phố”, ông Lâm khẳng định.

Như tại EVNNPC, ông Thái cho hay, từ đầu năm đến nay, khách hàng có thể thanh toán tất cả 5 dịch vụ thu phí của ngành điện qua ngân hàng điện tử là trả tiền điện, cấp điện mới, nâng công suất và thay đổi loại công tơ, thay đổi vị trí đo đếm và thu phí đóng cắt điện thông qua 23 ngân hàng nội địa. Ông Võ Quang Lâm cho biết thêm, nếu năm 2015, chỉ có 14,9% khách hàng thanh toán tiền điện trực tuyến, thì đến năm 2018, con số này đã đạt 60% và EVN trở thành đơn vị thanh toán hóa đơn điện tử lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

PV