Luật sư “vạch mặt, chỉ tên” các rủi ro khi đầu tư vào tiền ảo

00:00 12/10/2020

Luật sư Trương Anh Tú khẳng định: nếu gặp rủi ro, trong các nhà đầu tư sẽ rất khó có cơ sở pháp lý để đòi lại khoản tiền đã đầu tư vào tiền ảo cũng như các chi phí phát sinh khác.

Luật sư Trương Anh Tú khẳng định trong quá trình đầu tư vào tiền ảo, nếu gặp rủi ro trong các nhà đầu tư tiền ảo sẽ rất khó có cơ sở để đòi lại khoản tiền đã đầu tư cũng như các chi phí khác.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa có khuyến cáo người dân không tham gia hoạt động kinh doanh tiền ảo Kick theo hình thức đa cấp trái phép của Công ty Freedom Group đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua hệ thống Sessia Vision.Cục Cạnh tranh khẳng định Công ty Freedom Group đã phát hành và kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp nhưng chưa có chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: bản thân tiền ảo ẩn chứa rủi ro, cộng thêm đa cấp trái phép thì tính rủi ro còn tăng theo... cấp số nhân.

Nhưng thực ra đây không phải là lần đầu tiên Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng cảnh báo về hoạt động đầu tư tiền ảo nhưng các nhà đầu tư vẫn lao vào như thiêu thân. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền, các kênh thông tấn báo chí đã đưa ra nhiều cảnh báo về sự rủi ro khi đầu tư tiền ảo nhưng nhiều người vẫn lao vào bởi mức lãi suất hứa hẹn lên tới 50-60%/tháng khiến họ “hoa mắt”.

Qua tìm hiểu, tôi biết rằng, có những doanh nghiệp hứa hẹn mức lãi một tháng bằng 7-8 lần gửi tiền tiết kiệm. Điều này quả thực quá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và cũng là nguyên nhân thúc đẩy các nhà đầu tư “xuống tiền”.

Vậy ở góc độ pháp lý, các nhà đầu tư vào tiền số, tiền ảo nếu gặp rủi ro thì cơ hội đòi lại khoản đầu tư này ra sao, thưa ông?

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không thừa nhận tính pháp lý của các đồng tiền ảo, Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản pháp lý hiện nay cũng chỉ thừa nhận các đồng tiền do Ngân hàng nhà nước trên thế giới pháp hành. Và thực tế, chưa có bất cứ một văn bản pháp luật nào quy định về đồng tiền ảo, chính vì vậy có thể nói rằng không có khung pháp lý để điều chỉnh đối với đối tượng này.

Do đó, khi gặp rủi ro các nhà đầu tư tiền ảo sẽ rất khó có cơ sở để đòi lại khoản tiền đã đầu tư cũng như các chi phí khác.

Nhưng Công ty Freedom Group đã phát hành và kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp. Theo ông, cơ sở nào để Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định đây là loại hình đa cấp trái phép? 

Điều 206, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2018 có quy về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” thì: hành vi: “Phát hành cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán, sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả” gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, các đồng tiền ảo không được thừa nhận là phương tiện thanh toán, do đó nếu các công ty phát hành và kinh doanh tiền ảo, sử dụng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán gây thiệt hại cho người khác từ 100.000.000 đồng thì có khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206, Bộ luật hình sự hiện hành.

Bên cạnh đó, không ít người Việt Nam đang giao dịch tiền số với mong muốn kiếm lời. Các sàn giao dịch không chỉ nằm ở Việt Nam mà còn nằm cả ở nước ngoài. Rủi ro với những đối tượng này là gì?

Đối với những giao dịch liên quan đến tiền ảo ở trong nước đã tiềm ẩn nhiều rủi ro thì những sàn giao dịch ở nước ngoài mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều. Bởi lẽ lúc này các giao dịch hoàn toàn diễn ra trên mạng máy tính, người đầu tư không biết người nhận tiền là ai, Dòng tiền chuyển dịch như thế nào, Chính vì lẽ đó khi xảy ra sự cố, người đầu tư không thể tìm được đối tượng để yêu cầu hoàn tiền, thậm chí việc xử lý các sàn giao dịch này còn liên quan đến luật pháp các nước trên thế giới, tư pháp quốc tế. Do vậy, sẽ rất khó để xử lý những sàn giao dịch này.

Là một luật sư, ông có lời khuyên cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam đối với tiền số như thế nào trong bối cảnh chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn?

Tôi chỉ có một lời khuyên cho các doanh nghiệp và “nhà đầu tư” Việt Nam khi đã và đang có kế hoạch đầu tư vào đồng tiền ảo đó là thận trọng. Việc thận trọng này không chỉ xuất phát từ những nguy cơ tiềm ẩn về việc bị mất tiền đầu tư do gặp phải những sàn giao dịch “ma” mà còn phải thận trọng với các quy định của pháp luật. Như tôi đã nói ở trên, nếu sử dụng đồng tiền ảo như một phương tiện thanh toán thì sẽ vi phạm điều cấm của pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên tới 200.000.000 đồng theo quy định tại Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 206, Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2018 và trên hết là trước khi đầu tư thì hãy suy nghĩ xem có nên bỏ tiền thật ra để “mua” tiền ảo hay không.

Thời gian qua, Nhà nước đã ra chỉ thị cấm giao dịch, mua bán tiền ảo thông qua hệ thống ngân hàng, theo ông điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nào đầu tư tiền ảo hiện nay?

Đây là một trong những cách thức đề nhà nước hạn chế, ngăn ngừa sự phát triển của loại hình đầu tư còn tiềm ẩn nhiều rủi ro này. Và cách thức này ít nhiều sẽ tác động ảnh hưởng đến sự phát triển, mở rộng của nó nhưng cũng có thể sẽ tác động làm cho loại hình này phát triển thành nhiều biến thể “kỳ dị” hơn nhằm “lách luật”, để thu hút các nhà đầu tư. Điều này có nghĩa là, để đối phó lại với các quy định của pháp luật, những sàn giao dịch tiền ảo này sẽ đưa ra những chiêu bài, cách thức khác. Điều này sẽ tạo ra sự phức tạp trong thị trường tiền ảo hiện nay.

Chính phủ đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý về tiền ảo, vậy ông có góp ý gì để hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động tiền ảo?

Hiện nay, có một số văn bản pháp luật quy định cấm sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, tuy nhiên lại chưa có bất cứ quy định nào liên quan đến khái niệm tiền ảo, hay sử dụng tiền ảo. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần thiết phải đưa vào định nghĩa của tiền ảo, những hoạt động nào liên quan đến tiền ảo là hợp pháp, những hoạt động nào là bất hợp pháp, điều kiện kinh doanh của những tổ chức có ngành nghề liên quan đến hoạt động này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo DĐDN