Kết nối khối ngoại với khối nội

00:00 12/10/2020

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh liên kết giữa khối nội và khối ngoại với luồng vốn FDI thế hệ mới vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cấp bản thân, bán sản phẩm mà khối ngoại cần chứ không phải bán cái mà mình có.

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/ năm, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới mà đã đến lúc cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.

“Bắt tay” còn lỏng lẻo

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ/ TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là một nghị quyết có tầm quan trọng, đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, ngay từ những ngày đầu mở cửa, Đảng và Nhà nước có chủ trương mời gọi dòng vốn đầu tư nước ngoài để tận dụng lợi thế về công nghệ, thị trường… Vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực cũng có hạn chế nhất định trong thu hút FDI, đặc biệt sau 30 năm, thế và lực của Việt Nam có nhiều thay đổi. Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn, đây là thời điểm ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp (DN) và dự án phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.

Chính vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra định hướng, chủ trương về thu hút FDI nhằm phát huy hết lợi thế và hạn chế rủi ro của nguồn vốn này. Đặc biệt, Nghị quyết đã dùng chữ hợp tác để thể hiện sự bình đẳng, chủ động khi làm việc với khối DN FDI, đề ra trách nhiệm của DN FDI với Việt Nam. Trong Nghị quyết cũng nêu rõ thu hút FDI trong thời gian tới cần đảm bảo kết nối liên thông giữa FDI với DN trong nước là yêu cầu bắt buộc.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoan nghênh việc Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết cụm từ hợp tác, đầu tư chứ không phải mời gọi đầu tư như trước đây. Chủ trương này sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới, thế hệ FDI mới vào Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành quốc gia thu hút FDI thành công trong khu vực và thế giới, trong khu vực chỉ thua Singapore về số vốn đầu tư trên đầu người. “Tuy nhiên, có điều mà chúng ta chưa thành công là hiệu quả vốn FDI chưa tương xứng với số lượng vốn đầu tư. Chúng ta trông cậy không chỉ huy động vốn mà có lan tỏa công nghệ, liên kết với DN trong nước nhưng kết quả thực tế không được bao nhiêu”, ông Lộc nói.

Chỉ 14% DN nội địa Việt Nam có quan hệ mua bán với DN FDI

Thậm chí, không những không kết nối được DN trong nước với DN FDI, mà trong nhiều trường hợp, các DN FDI đang chèn lấn DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Ông Lộc dẫn chứng như DN FDI chiếm 50% sản lượng công nghiệp, 10 đồng xuất khẩu thì khối ngoại chiếm 7 đồng.

Theo khảo sát của VCCI, chỉ 14% DN nội địa Việt Nam cho biết có quan hệ mua bán với DN FDI; khoảng 27% nguyên liệu, hàng hóa đầu vào của khối FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các DN FDI khác, khối FDI đang giống như một “ốc đảo” trên lãnh thổ Việt Nam.

“Nếu không gắn kết, FDI sẽ không bén rễ sâu vào nền kinh tế Việt Nam, bất cứ thay đổi nào, khối ngoại cũng có thể chuyển sang nơi khác”, ông Lộc lo lắng.

Về phía địa phương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp. Hải Phòng Lê Văn Thành đánh giá trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, ông đặc biệt chú ý đến yêu cầu chuyển giao công nghệ, đặc biệt là liên kết sản xuất giữa DN Việt Nam và DN FDI. Thời gian qua, chúng ta kỳ vọng tỷ lệ nội địa hóa Việt Nam được nâng lên nhưng thực tế còn thấp.

Nâng cấp khối nội

FDI là động lực tăng trưởng quan trọng, kết nối nền kinh tế Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá những kỳ vọng trên chưa đạt được mong muốn là do thể chế, chính sách, cũng như tuỳ thuộc vào chính năng lực của DN Việt Nam, đó là khả năng hấp thụ công nghệ của DN Việt chưa cao, trình độ nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thời gian tới, Việt Nam khuyến khích thu hút FDI công nghệ cao nhưng có tới 85% DN FDI không thể tuyển chọn được lao động trình độ cao. Nhiều DN FDI muốn hợp tác, liên kết với khối nội cũng không được vì DN Việt không đáp ứng được yêu cầu.

Do vậy, ông Lộc nêu quan điểm của VCCI là cần nâng cấp DN Việt Nam. Thời gian qua không kết nối được DN FDI vì khả năng hấp thụ công nghệ của DN Việt Nam thấp, trình độ hạn chế. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 20 nước có trình độ công nghệ thấp.

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho rằng ngoài việc khuyến khích chuyển giao công nghệ, khuyến khích FDI mua hàng của DN trong nước, cũng cần hỗ trợ DN trong nước lớn lên. Làm sao để DN Việt có thể tham gia chuỗi giá trị của DN FDI. Thời gian tới, khi xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho DN Việt Nam cần phải chú ý tới điều này.

Liên quan tới Nghị quyết của Bộ Chính trị, ông Thắng đánh giá Nghị quyết đã chỉ ra giải pháp khuyến khích để DN FDI sử dụng dịch vụ của DN trong nước, đồng thời có chính sách hỗ trợ DN nội địa để nâng tầm sản phẩm, đáp ứng chuỗi giá trị của DN FDI. Đó là giải pháp vừa kéo vừa đẩy.

Đặc biệt, bàn về vấn đề ưu đãi, ông Thắng cho rằng 30 năm thu hút FDI, cơ chế ưu đãi đầu tư cho các DN nói chung thực sự “có những cái hơi lạc hậu, tập trung theo chiều rộng, chứ không theo chiều sâu”. Thời gian tới, cần thay đổi cách tiếp cận, chỉ ưu đãi phần giá trị gia tăng làm trên đất nước Việt Nam, phần kết nối với DN trong nước… Chẳng hạn như việc nhập khẩu máy móc, gia công cần xem lại có nên được ưu đãi không?

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là trách nhiệm của các địa phương. Do vậy, địa phương cần xây dựng tiêu chí, danh mục dự án thu hút FDI.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài cần tính lại theo phương án “hậu ưu đãi”, tức là chỉ khi tạo ra được giá trị gia tăng thì mới nên có chính sách ưu đãi, ưu đãi dựa trên kết quả, hiệu quả mà dự án đó đem lại cho nền kinh tế.

Theo ông Lê Văn Thành, Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã khác trước đây. Với vị trí địa lý thuận lợi của mình, các địa phương như Hải Phòng, Tp.HCM, Đồng Nai… đủ sức hút hấp dẫn các nhà đầu tư. Vì vậy, trong thu hút FDI, chính sách ưu đãi không còn quá quan trọng, mà chỉ là một phần trong nhiều phần ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư.

Lê Thúy