Huyện đảo Bạch Long Vỹ: Làm sao bám biển dài lâu?

00:00 12/10/2020

Phải qua khoảng 8h lênh đênh trên biển, chúng tôi mới đến được Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) xa xôi hấp dẫn, mới hiểu thấu việc bám biển dài lâu là một tình yêu, một thử thách, hy sinh lớn…

  1. Cửa hàng tạp hóa của bà Đinh Thị Thắm một thời tấp nập trên đảo Bạch Long Vỹ

  2. Bám biển bởi khó khăn, ra đi cũng bởi khó khăn…

  3. Cách đây hơn 20 năm, huyện đảo Bạch Long Vĩ là một đảo hoang sơ, cơ sở hạ tầng hầu như không có. Cư dân khắp các địa phương tấp nập kéo ra lập nghiệp. Thiếu điện, thiếu nước ngọt, thiếu thuốc men, thậm chí thiếu lương thực, người dân tằn tiện qua ngày bám biển.

    Qua 26 năm (1993- 2019) đi hết từ khó khăn này đến khó khăn khác, quân dân hòn đảo có cái tên mỹ miều Bạch Long Vỹ ấy đã làm nên sự khởi sắc. Chất lượng cuộc sống thay đổi rõ rệt trông thấy. Trạm điện gió- Diezen Bạch Long Vỹ do Công ty Điện Lực Hải Phòng tiếp đã nhận và vận hành từ năm 2016, đáp ứng tốt nhu cầu điện năng cho huyện đảo. Hệ thống thông tin liên lạc cố định và mạng Internet của Viettel và Vinaphone đã được đưa vào phục vụ nhu cầu của quân, dân. Dân cư đã tự tích trữ nước mưa trong các bể chứa, giếng khoan nên có thể sử dụng quanh năm. Cơ sở hạ tầng từ nhà ở kiên cố đến đường xá, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa đều được xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản.Trường Mầm non Bạch Long Vỹ được xây dựng với hai dãy nhà trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, học tập cho gần 20 cháu nhỏ; Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vỹ phát triển quy mô với 20 giường bệnh, trang thiết bị khám chữa bệnh khá hiện đại; Công trình văn hóa tâm linh như chùa Bạch Long, lầu Phật, lhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được xây dựng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân; trung tâm văn hóa thể thao huyện, sân vận động kết hợp làm sân đỗ trực thăng đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe người dân…

    Sự khởi sắc những tưởng sẽ đẩy lùi câu chuyện ngư dân bám biển, bám đảo vào dĩ vãng. Nhưng lòng người khó định, con sóng lòng người nổi lên như con sóng mặt biển ngoài kia. Khi tiếp xúc với một số ngư dân của huyện đảo, phóng viên Doanh nghiệp & Hội Nhập nhận thấy sự bất định ấy.  

    1. Tàu thuyền lưu trú lưa thưa khác hẳn những năm trước. 

  4. Bà Đinh Thị Thắm (quê Thủy Nguyên - Hải Phòng) bày tỏ: “ Gia đình tôi 4 người sinh sống trên hòn đảo này được 20 năm nay. Trước đây mới đến đảo, tuy điều kiện vật chất khó khăn nhưng kiếm ăn đều đều được. Cửa tiệm tạp hóa nhỏ nhà tôi một ngày cũng được 4-5 triệu tiền hàng. Cộng thêm hai cháu lớn đi đánh bắt, thu nhập cũng để ra. Nhưng 3 năm trở lại đây, dân cư đánh bắt kém đi, nuôi trồng bào ngư không hiệu quả, kinh tế đi xuống khiến thu nhập gia đình cũng giảm. Một ngày không nổi được 1 triệu tiền hàng. Tôi tính mình cố gắng thêm 1-2 năm nữa rồi về quê luôn.”

    Còn anh Đặng Văn Hải (quê Thủy Nguyên- Hải Phòng) tếu táo trong xót xa: “Tôi ra đảo được 7 năm nay. Vừa mới lập gia đình và sinh cháu được 4 tháng tuổi. Mấy năm trước chưa lấy vợ thì mỗi đêm đi câu cũng được 3-4 triệu, nhưng 2 năm lại đây mỗi đêm không nổi 1 triệu. Có ngày chẳng câu được gì. Nếu cứ làm ăn thế này chắc vợ chồng lại kéo nhau về đất liền làm ăn cho gần bố mẹ.”

    Anh Trần Văn Đủ (quê Tiên Lãng- Hải Phòng) 35 tuổi, chưa lập gia đình cũng chung nỗi lòng:“ Tôi ra đây lập nghiệp mới có 3 năm. Cố gắng bám trụ ở đảo nhưng tình trạng làm ăn kém thế này, tôi tính nước về lại quê.”

    Thiết nghĩ, suy nghĩ của một số người dân trên cũng là tâm lý chung của đa số dân cư nơi đây. Một khi kinh tế không ổn định, tâm lý sẵn sàng rời bỏ là chuyện dễ hiểu ở bất cứ nơi đâu.

    1. Mẻ cá trong xô ngư dân vất vả câu cả đêm trên đảo

  5. Đi xa, đi cùng nhau…

    Nhằm tái tạo lại sức hút, tăng sự gắn bó lâu dài trở lại với dân ngụ cư, Ban Thường vụ Huyện ủy Bạch Long Vỹ đã xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 45- NQ/TW “Xây dựng đảo Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc” của Bộ Chính trị. Trong đó, một số dự án đã và đang được triển khai thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Bắc đảo; Dự án đóng mới tàu thủy chở khách và hàng hóa ra đảo; Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt và hệ thống thủy lợi; Dự án xây dựng trung tâm hậu cần, bến neo đậu tàu, đón trả khách tuyến Hải Phòng - Bạch Long Vỹ; Dự án nâng cấp cảng phía Tây Nam thành Cảng cá loại I và khu vực trú bão cấp vùng cho tàu thuyền…

    Dựa vào các tiền đề trên, chính quyền huyện đảo hy vọng sẽ thu hút người dân đầu tư xây dựng xưởng sửa chữa cơ khí, hệ thống ki-ốt cung cấp vật tư nghề cá, lương thực thực phẩm, nhà hàng ăn uống vui chơi giải trí…phục vụ ngư dân bám biển khai thác thủy sản lâu dài. Bên cạnh đó, công tác “xây dựng trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển tại đảo Bạch Long Vỹ” được huyện phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư diễn tập, chủ động ứng biến với các tình huống xảy ra.

    Chia tay đảo, quanh quẩn bên chúng tôi vẫn là câu chuyện “ Làm sao bám biển  dài lâu?” Đó không phải là câu chuyện riêng của các cấp chính quyền huyện đảo. Đây cũng là câu hỏi cho chính các cư dân ngụ cư của đảo phải đối diện. Qủa thật, khi muốn đi xa hãy đi cùng nhau…

    Phương Giang- Nguyễn Lương