Gỡ nút thắt cho ngành Thuế

00:00 12/10/2020

Nhiều năm qua, nợ thuế không có khả năng thu luôn là bài toán nhức nhối đối với ngành Thuế. Nghị quyết về xử lý nợ thuế được kỳ vọng sẽ tháo được “nút thắt” này, đảm bảo công tác thu ngân sách và quản lý nợ được hiệu quả.

Làm thủ tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Hơn 41.000 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi

Số liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến ngày 31/12/2018, số nợ đọng thuế đã lên tới 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ không khả năng thu hồi là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền nợ thuế. Lý giải nguyên ngân số nợ thuế không có khả năng thu ngày càng lớn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thế Mạnh cho biết, theo thống kê hiện nay có 2.635 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự có số nợ thuế 460 tỷ đồng (trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỷ đồng)

Có tới 24.113 DN đã tự giải thể nhưng không làm thủ tục giải thể theo quy định, với số tiền nợ đọng 2.072 tỷ đồng. Ngoài ra, có 216 DN mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền thuế nợ là 398 tỷ đồng. Đáng chú ý, có tới 731.696 người nộp thuế bỏ không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế; cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số tiền thuế nợ là 23.889 tỷ đồng

Để hạn chế nợ ảo, nợ không có khả năng thu hồi, Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 quy định cụ thể các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Theo đó, các trường hợp được xóa nợ gồm người có nghĩa vụ nộp thuế đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản, kể cả tài sản được thừa kế để nộp hoặc đã bị phá sản theo quyết định của Tòa án và không còn tài sản để nộp thuế.

Trường hợp khác, người nộp thuế đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh, cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thu nợ nhưng người nộp thuế không còn tài sản để nộp thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ và khoản nợ thuế đã quá 10 năm không còn khả năng thu hồi. Luật Quản lý thuế mới cũng quy định: Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Xem xét không khoanh nợ liên quan đến đất

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước kết hợp với Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ tạo thành một chỉnh thể thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan thuế và DN. Việc Nghị quyết chỉ cho phép khoanh nợ và vẫn quản lý nợ gốc đã đảm bảo chặt chẽ, giảm thiểu tình trạng DN lợi dụng bỏ địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế và chuyển sang địa điểm kinh doanh khác.

Đồng thời, hạn chế các khoản nợ phạt chậm nộp tiền thuế ngày càng phình to, tạo gánh nặng cho cơ quan thuế. “Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020, trong khi Luật Quản lý thuế sửa đổi lại có hiệu lực từ 1/7/2020 như vậy sẽ có khoảng trống pháp lý. Do đó, ban soạn thảo cần có phương án xử lý tương đồng để tránh lợi dụng. Riêng đối với các khoản nợ liên quan đến đất, cần xem xét không khoanh nợ” - bà Vân Chi cho hay.

Về phía DN, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Hải Phòng Mai Hồng Hải cho biết thêm, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã có những quy định về xóa nợ thuế nhưng không cho phép hồi tố, nên vẫn có khoảng trống pháp luật về thuế. Do đó, việc ban hành Nghị quyết để xử lý các khoản nợ thuế không thể thu vào ngân sách là rất đúng, trúng và cần thiết. Tuy nhiên, phải gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với các trường hợp DN bỏ địa chỉ kinh doanh, nhưng không theo dõi quản lý, gây thất thu ngân sách.

Hà Lâm