Doanh nghiệp lại khổ vì thủ tục phế liệu, phế phẩm

00:00 12/10/2020

Mặc dù, Nghị định 69/2018 vừa có hiệu lực thi hành hơn 4 tháng, nhưng cơ quan Hải quan đã phát sinh nhiều vướng mắc về thủ tục tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, còn doanh nghiệp thì phát sinh chi phí.

Theo Khoản 4, Điều 44, Nghị định 69/2018, việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép tiêu hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất.

 Phế liệu, phế phẩm thủy sản chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng lượng nguyên liệu, vật tư.Ảnh: An Đăng

Hải quan đã từng kiến nghị sửa đổi

Thực tế triển khai Nghị định 69, cơ quan Hải quan phải giám sát tất cả các trường hợp tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của hợp đồng gia công. Trong khi, phế liệu, phế phẩm thường xuyên được loại ra trong quá trình sản xuất, đối với các doanh nghiệp lớn việc tiêu hủy này là thường xuyên, do đó cơ quan Hải quan không đủ lực lượng để giám sát tiêu hủy, việc doanh nghiệp tổ chức giám sát cũng sẽ gây tốn chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 17 Luật Hải quan thì cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải. Vì vậy hiện nay các hoạt động quản lý của cơ quan Hải quan (trong đó có hoạt động giám sát tiêu hủy) đều áp dụng phương pháp quản lý rủi ro.

Còn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có công văn nêu vướng mắc của doanh nghiệp. Theo đó, nếu doanh nghiệp thủy sản thực hiện cách xử lý nguyên liệu dư thừa hiện hành thì sẽ phát sinh rất nhiều chi phí. Bởi vì thông thường trong quá trình sản xuất gia công, phế liệu, phế phẩm thủy sản chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng lượng nguyên liệu, vật tư.

Tổng cục Hải quan cho biết, khi tham gia ý kiến xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị được hướng dẫn thủ tục thông báo hợp đồng gia công và quyết toán hoạt động gia công với cơ quan Hải quan, đồng thời kiến nghị bỏ các quy định trên. Bởi vì, pháp luật về hải quan đã quy định các thủ tục này và đang thực hiện ổn định, không có vướng mắc.

Quy định còn mâu thuẫn

Cũng theo Tổng cục Hải quan, khi thực hiện quy định về tiêu hủy hàng hóa của doanh nghiệp, Bộ TN&MT cho biết pháp luật về môi trường quy định: Chỉ có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho đối tượng là doanh nghiệp thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại; chủ nguồn chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký với Sở TN&MT (không quy định phải có giấy phép).

Trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm không phải là chất thải nguy hại thì thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Theo đó, không quy định chủ chất thải rắn phải có văn bản cho phép của Sở TN&MT, chỉ quy định về việc báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Thực tế về vấn đề xử lý phế liệu sản xuất xuất khẩu, Công ty TNHH Zeng Hsing Industrial (Thuận An, Bình Dương) và một số doanh nghiệp đã gặp nhiều lúng túng không biết xử lý theo quy định nào. Họ đã bày tỏ khó khăn tại các cuộc đối thoại giữa Hải quan và doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện quy định trên đang gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc áp dụng văn bản pháp luật và doanh nghiệp phát sinh thủ tục hành chính, chi phí khi xin phép để được tiêu hủy…

Trước những vấn đề vướng mắc trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng để thống nhất các quy định pháp luật hải quan và pháp luật về môi trường. 

H.Minh