Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Do đâu chưa đạt yêu cầu?

00:00 12/10/2020

Thông tin được đưa ra tại họp báo chuyên đề về “Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2018; kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2019” do Bộ Tài chính tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu.

Theo Bộ Tài chính, việc cổ phần hóa đến nay mới đạt 28% kế hoạch. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

co phan hoa doanh nghiep nha nuoc do dau chua dat yeu cau
Các vướng mắc trong xử lý đất đai làm chậm tốc độ cổ phần hóa

Đáng chú ý, hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng rất chậm. Hà Nội mới đạt 14% kế hoạch trong khi TP. Hồ Chí Minh cao hơn cũng chỉ đạt 40% kế hoạch.

Về thoái vốn, trong năm 2019 có 13 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn năm 2017 - 2019, việc thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. Việc triển khai thoái vốn, theo Bộ Tài chính chỉ đạt 7,8% kế hoạch.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, không đạt được theo kế hoạch đề ra. Đó là, chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), chưa bảo đảm kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước” - Đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận

Một khó khăn “trầm kha” làm chậm tốc độ cổ phần hóa là các vướng mắc trong xử lý đất đai. Tình trạng doanh nghiệp nhà nước quản lý nhà đất không nghiêm tuy đã kéo dài nhưng không được xử lý dứt điểm. Giải pháp tới đây, theo Bộ Tài chính là các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Quỳnh Anh