Có lợi ích nhóm trong 61 dự án BOT giao thông hay không?

00:00 12/10/2020

Trước Quốc hội sáng 5/6, đại biểu Bùi Văn Phương “tố” 2 bộ (Kế hoạch và Đầu tư, GTVT) “cản” Kiểm toán Nhà nước vào cuộc các dự án BOT giao thông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng GTVT làm rõ việc có lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không?

Dân có trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án BOT

Chất vấn Bộ trưởng GTVT, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An cho biết, hiện nay các dự án của ngành GTVT có nhiều tồn tại, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ, vấn đề đội vốn, chất lượng kém.

“Tôi muốn hỏi Bộ trưởng về trách nhiệm cá nhân, chúng ta có quy đến cùng không hay chỉ là trách nhiệm tập thể. Tôi thì tôi muốn xử lý đến cùng trách nhiệm cá nhân để xảy ra tình trạng này”, đại biểu Cầu nói.

Có lợi ích nhóm trong 61 dự án BOT giao thông hay không? - 1Đại biểu Bùi Văn Phương chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT

Trước Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết, sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Tuy nhiên, trước đó hai bộ (Kế hoạch và Đầu tư, GTVT) với nhiều lập luận cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông, với lý do đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân.

“Tôi xin hỏi Bộ trưởng tại sao hai bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu kiểm toán nhà nước không kiêm quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không? Có lợi ích nhóm ở đây hay không”, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị Bộ trưởng GTVT trả lời.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, mỗi một dự án đều có chủ đầu tư. Vừa qua Bộ này đã phối hợp với các đơn vị liên trong đó có cả ngành công an vào cuộc. Với các dự án đội vốn, đa số rơi vào dự án đường sắt đô thị, đây là công nghệ mới, được phê duyệt từ năm 2008, thời điểm đó có yếu tố trượt giá, thay đổi quy mô đầu tư.

Tuy nhiên, khi dư luận quan tâm, chúng tôi cùng với cơ quan chức năng và cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc để kiểm tra tất cả các dự án đội vốn. Các cá nhân, tổ chức nào vi phạm thì chắc chắn sẽ bị xử lý. Còn Bộ GTVT chúng tôi đã xử lý chúng tôi đã điều chuyển một số Giám đốc Ban quản lý dự án và cũng đã xử lý các cán bộ, công chức có liên quan.

Câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Phương được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, ngay từ khi dự án BOT được triển khai, Bộ GTVT đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. “Không phải như thông tin nói rằng Bộ GTVT không cho kiểm toán vào, thậm chí chúng tôi còn mời cả công an. Do vậy, các dự án BOT được kiểm toán gần như 100%”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.

Thêm độ khó cấp giấy phép, khiến thí “rớt ngay”

Chất vấn Bộ trưởng GTVT, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận), thời gian qua xảy ra nhiều vụ lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn giao thông nghiên trọng làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây bất an cho nhân dân, người tham gia giao thông.

Theo đại biểu Ngọc một trong những nguyên nhân theo ý kiến tổng hợp cử tri cho rằng việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe và việc đào tạo sát hạch chấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, tiêu cực. “Là bộ chủ quản, Bộ trưởng sẽ đề xuất những giải pháp gì để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và đạo đức của người lái xe qua việc xử lý vi phạm và sát hạch cấp giấy phép lái xe”, đại biểu Ngọc đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng quan tâm đến tình trạng lái xe sử dụng ma túy, uống rượu bia say gây ra những vụ tai nạn thảm khốc. “Vậy trách nhiệm của Bộ GTVT như thế nào về vấn đề này và giải pháp khắc phục trọng thời gian tới”, Đại tá Cầu gửi câu hỏi đến tư lệnh ngành giao thông.

Có lợi ích nhóm trong 61 dự án BOT giao thông hay không? - 2

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Minh Thu)

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, với trách nhiệm của ngành, Bộ GTVT sẽ cố gắng công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe. Để từ đó khi được nhận bằng lái xe ra đường hoạt động tốt nhất. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Thể, ngành này sẽ tăng độ khó các đề thi cấp giấy phép lái xe, trong đó đưa ra một số tình huống có thể rớt ngay như xe vượt đèn đỏ có ký hiệu của đường sắt, xe vượt đường hướng dẫn đó là cái vực…

Một số tai nạn giao thông nghiêm trọng gây bất an cho xã hội, chúng tôi thấy rằng ngoài  công tác đào tạo sát hạch lái xe, còn công tác quản lý lái xe. Theo số liệu thống kê, những tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra với những lái xe có thâm niên từ 8-10 năm.

“Chứng tỏ rằng không phải những lái xe mới nhận bằng gây ra những tai nạn nghiêm trọng. Mà thông thường là những lái xe có công ăn việc làm ổn định, sau một thời gian mới vi phạm. Do đó, chúng tôi hiểu rằng để xử lý vấn đề này ngoài việc tăng cường công tác đào tạo sát hạch, chúng ta phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hoạt động của các lái xe, nhất là tình trạng bia rượu của lái xe”, Bộ trưởng Thể nói.

Quang Phong

Tags: