Chưa đồng nhất việc chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư công

00:00 12/10/2020

Chuyển 8 dự án đường cao tốc Bắc – Nam từ phương thức PPP sang đầu tư công đang gặp phải những luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tựu trung lại là cần phải minh bạch, đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Tới đây, vấn đề này sẽ được trình lên Bộ Chính trị.

Tại phiên họp Quốc hội mới đây, thay mặt Chính phủ, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 256/TTr-CP đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (DA) đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

3 phương án của Chính phủ

Theo tờ trình này, Chính phủ đã bổ sung phương án chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công theo 3 phương án.

Phương án 1, tiếp tục đầu tư 3 DA thành phần đầu tư công theo Nghị quyết số 52/2017/NQ-QH và chuyển đổi hình thức đầu tư toàn bộ 8 DA thành phần từ đầu tư theo hình thức PPP có sử dụng một phần vốn đầu tư công sang sử dụng 100% vốn đầu tư công. Theo phương án này, tổng mức đầu tư toàn DA cao tốc Bắc - Nam vào khoảng 99.493 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước đã bố trí tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung khoảng 44.493 tỷ đồng.

Phương án 2, tiếp tục đầu tư 3 DA thành phần đầu tư công và chuyển đổi hình thức đầu tư 5 DA thành phần. Với phương án này, tổng mức đầu tư toàn DA khoảng 100.250 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách nhà nước khoảng 88.056 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 33.056 tỷ đồng), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng.

Phương án 3, tiếp tục đầu tư 3 DA thành phần đầu tư công và chuyển đổi hình thức đầu tư 3 DA thành phần, gồm: 2 DA cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 DA thành phần còn lại tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn Thừa Thiên - Huế cho rằng, 8 DA đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội cho chủ trương, có những vấn đề khách quan các nhà đầu tư công-tư không muốn vào, thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì mắc phải những yếu tố về an ninh quốc phòng. Vấn đề ở đây là việc thu nguồn vốn cho đường cao tốc này phải cân đối lại.

Bên cạnh đó, do chưa có Luật Đầu tư PPP nên các doanh nghiệp rất sợ rủi ro về chủ trương chính sách. Ngoài ra, điều kiện đầu tư đòi hỏi giá thành khá lớn do chủ yếu đi ở các tuyến miền núi, tuyến khó khăn. Vì vậy, thu hút vốn tư nhân vào các DA này là rất khó.

Ông Đặng Ngọc Nghĩa đồng quan điểm chuyển DA cao tốc Bắc – Nam từ phương thức PPP sang đầu tư công, vì đây là tuyến huyết mạch, lợi ích cho dân sinh, quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, thông thương hàng hóa, đồng thời tránh được quá tải cho tuyến Quốc lộ 1 như hiện nay.

30-5-Cao-toc-PPP-3906-1590819546.jpg

Chính phủ đề xuất Quốc hội chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ phương thức PPP sang đầu tư công (Ảnh: Internet)

Còn nhiều băn khoăn

Trước đó, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội giữa tháng 5/2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cân nhắc xem xét lựa chọn một số DA thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư để chuyển sang đầu tư công, chứ không chuyển tất cả sang đầu tư công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng khẳng định, việc chuyển toàn bộ cả 8 DA sang đầu tư công là "không chấp nhận được". Chỉ nên chọn DA Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa có nhà đầu tư nào để chuyển sang đầu tư công. Bởi theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu xóa sổ toàn bộ 8 DA từ PPP sang đầu tư công, thì có cần phải thông qua luật PPP nữa hay không?

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không chuyển hết cả 8 DA sang đầu tư công mà chỉ chuyển DA nào khó khăn. “Tiền ở đâu để làm căn cứ chuyển 8 DA này sang đầu tư công? Chưa gì đã tính tiêu của nhiệm kỳ tới 44.000 tỷ”, bà Ngân nói.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, rõ ràng cái gì làm được thì nên để tư nhân làm.

Trên thực tế, nếu sử dụng đầu tư công thì sẽ làm nhanh hơn, không phải chọn nhà đầu tư, ngay năm 2021 có thể triển khai, tiền đã sẵn có, không phải trả lãi ngân hàng, chi phí sẽ ít hơn. Nhưng có lập luận khác cho rằng, nếu chúng ta không khéo, chỉ đưa ra một quy định của Chính phủ là đầu tư công để tiến hành tốt hơn thì phải rút gọn quy trình.

“Tôi rất ngại rút gọn quy trình là thế nào, không khéo lại như cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền, đầu tư công rất vô tôi vạ. Đồng ý là kích cầu bằng đầu tư công, nhưng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ bằng cách tận dụng năng lực, trí tuệ của các tổ chức xã hội, của dân chúng để phát hiện ra các ổ tham nhũng”, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.

Minh Sơn