Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần loại bỏ ngay thủ tục ‘trói chân’ doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Mặc dù việc cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ và nhiều bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên vẫn còn nhiều thủ tục còn rắc rối, chồng chéo và trói chân doanh nghiệp.

Thủ tục còn rườm rà, chồng chéo

Thời gian vừa qua, mặc dù việc cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ và nhiều bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều kiện gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh dưới hình thức giấy chứng nhận, chứng chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhận định về vấn đề trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều điều kiện kinh doanh đang can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối (rượu, xăng dầu); yêu cầu phương án kinh doanh (bưu chính, dịch vụ an toàn thông tin mạng, thông tin tín dụng); yêu cầu trình độ của người quản lý doanh nghiệp... Chưa kể có những điều kiện kinh doanh do hai cơ quan cùng đánh giá, làm căn cứ cấp giấy phép cho một hoạt động như kinh doanh khí, dịch vụ an ninh... hoặc sử dụng các khái niệm khó xác định như “có đủ”, “phù hợp”...

Ngoài ra, nhiều vấn đề về đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định chồng chéo bởi các luật khác nhau. Luật Đầu tư 2014 có điều khoản về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong khi Luật Thương mại năm 2005 đã có quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện; cả hai Luật đều điều chỉnh điều kiện của chủ thể kinh doanh. “Đặc biệt, nhiều thủ tục gia nhập thị trường với doanh nghiệp còn rắc rối, chồng chéo, trói chân doanh nghiệp” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiện, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh gây rắc rối, chồng chéo và trói chân doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Từ thực tế tư vấn cho doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Xuân Thủy, Công ty Luật LNT nêu, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, thương hiệu bán lẻ nước ngoài muốn đầu tư, gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên quá trình xin giấy phép khá phức tạp. Cụ thể, theo Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp phải làm hồ sơ xin giấy phép đầu tư của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi có giấy phép đầu tư, doanh nghiệp phải làm hồ sơ xin giấy phép mua bán từ Bộ Công Thương. Chưa hết, muốn được cấp phép doanh nghiệp phải chứng minh có sự đóng góp cho kinh tế - xã hội, đây là khái niệm rất mơ hồ và khó chứng minh.

Theo Luật sư Nguyễn Xuân Thủy, ba vấn đề chính mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trước khi quyết định đầu tư là thủ tục cấp phép nhanh hay chậm, mất bao nhiêu thời gian, chi phí cho việc cấp phép, đáp ứng các điều kiện là bao nhiêu và sự minh bạch của chính sách. Do đó, muốn cải thiện khả năng thu hút đầu tư, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tập trung vào rút ngắn thời gian cấp phép, giảm chi phí và minh bạch các điều kiện theo hướng định lượng, hạn chế chứng minh các điều kiện mang tính định tính.

Doanh nghiệp kỳ vọng

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn việc rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh được cải thiện theo hướng kịp thời, cụ thể và có tính đột phá hơn. Một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc không tập trung vào xử lý, giải quyết những điểm yếu kém, vướng mắc là nguyên nhân hàng đầu khiến làn sóng cải cách không được hiệu quả như mong muốn.

Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường là yêu cầu quan trọng, xuyên suốt. Đây cũng là áp lực của cơ quan quản lý, nhất là vấn đề liên quan tới quy hoạch đất đai, xây dựng, môi trường... TS. Vũ Tiến Lộc dẫn báo cáo các bộ, ngành gửi Chính phủ khẳng định có bộ, ngành đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ cắt giảm được khoảng 30%-40% điều kiện kinh doanh.

“Vì vậy, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào làn sóng cải cách thứ ba của Chính phủ ngay trong nhiệm kỳ này với nhiệm vụ loại các quy định pháp luật chồng chéo, sau khi đã thực hiện làn sóng cải cách không đẻ thêm điều kiện kinh doanh và cắt giảm điều kiện kinh doanh vào các năm 2016 và 2018” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thanh Tùng