Cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh: Chuyển biến tích cực

00:00 12/10/2020

Thực hiện Nghị quyết 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương chủ động, tích cực cải thiện MTKD thông qua cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Quyết liệt hành động

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), trước năm 2016, toàn ngành có khoảng 1.216 ĐKKD. Nhưng với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ, cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), ĐKKD, tạo thuận lợi cho DN.

cat giam dieu kien dau tu kinh doanh chuyen bien tich cuc

Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã được sửa đổi phù hợp

Trong đó, để thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ về yêu cầu các bộ, ngành, địa phương "Tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý..." và trên cơ sở Quyết định 3610A/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKĐTKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh (ĐKĐTKD) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và 9 Nghị định trong năm 2017, 2018. Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến ĐKĐTKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, trong các lần cắt giảm, đơn giản hóa ĐKĐTKD, Bộ Công Thương luôn căn cứ trên nguyên tắc: Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các ĐKĐTKD; việc xây dựng, thực hiện ĐKĐTKD phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; ĐKĐTKD nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định...

Tiếp tục tiên phong

Năm 2019, 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là đơn vị tiên phong hoàn thành việc cắt giảm ĐKĐTKD cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Trong số các ĐKĐTKD đã được cắt giảm, đơn giản hóa, đại diện Vụ Pháp chế nhận định, nhiều ĐKĐTKD được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, được các chuyên gia, cộng đồng DN đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ôtô, kinh doanh xăng dầu, gas, an toàn thực phẩm… Mặt khác, sau khi các ĐKĐTKD được cắt giảm, TTHC được đơn giản hóa đã tạo được MTKD lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện áp dụng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để thuận lợi hóa cho DN.

Với những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ Công Thương luôn khẳng định, tiếp tục cải cách mạnh mẽ về TTHC, ĐKKD luôn được Bộ quan tâm và được đẩy mạnh một cách triệt để, khách quan, công tâm nhất, không phải vì lợi ích riêng của ngành Công Thương, mà là vì DN và người dân. Trên tinh thần ấy, mới đây, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan phải liên tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thông qua tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến từ cộng đồng DN, chuyên gia và người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý nhà nước cho hoàn thiện, thích ứng với điều kiện thực tế và cam kết hội nhập.

Hoa Quỳnh