Các bệnh viện mất thêm tiền tỉ mỗi tháng vì phí dịch vụ ngân hàng

00:00 12/10/2020

Theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, đến cuối năm 2020, 100% các bệnh viện tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và 50% Trung tâm y tế cấp huyện chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng. Do các ngân hàng áp phí dịch vụ cao, nên mỗi tháng các bệnh viện phải trả cho các ngân hàng hàng tỉ đồng.

Phải chi trả những khoản tiền khó giải trình

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh - đến nay, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện đạt trên 10%, qua các hình thức như quẹt thẻ tín dụng, mã vạch QR Code...

“Chỉ mới thí điểm thanh toán không tiền mặt mà mỗi tháng bệnh viện phải trả phí dịch vụ ngân hàng lên tới 200-300 triệu đồng. Nếu thực hiện như mục tiêu tỉnh đặt ra thì mỗi tháng bỗng dưng bệnh viện phải trả cho ngân hàng cả tỉ đồng” - ông Hùng cho biết.

Theo bác sĩ Hùng, việc thanh toán không dùng tiền mặt là văn minh và tiện ích, nhưng với mức phí dịch vụ ngân hàng quá cao như hiện nay, hình thức này đang trở thành gánh nặng cho bệnh viện. Hiện, mức phí dịch vụ mà các bệnh viện phải trả cho các ngân hàng là từ 0,22 - 0,88%/số tiền giao dịch, tùy từng loại thẻ hay mã QR Code

Chưa kể, để có thể áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh viện sẽ phải tự bỏ nâng cấp đầu tư hệ thống công nghệ, máy móc hàng trăm triệu đồng và thậm chí phải bỏ tiền để làm thẻ cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để họ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Đại diện kế toán của Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, chưa nói tới việc mỗi tháng bệnh viện bỗng dưng phải trả cho ngân hàng hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng, mà số tiền đó không biết phải giải trình thế nào với các cơ quan chức năng và lấy tiền ở đâu bù vào đó?

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chỉ là đơn vị có mức viện phí phải thanh toán ở mức trung bình trên toàn tỉnh. Theo một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nếu áp dụng thanh toán không tiền mặt với phí dịch vụ ngân hàng như hiện nay, mỗi năm bệnh viện này phải trả cho ngân hàng không dưới 10 tỉ đồng.

“Tận dụng tiền của tôi, sao lại bắt tôi trả phí?”

Ông Trịnh Văn Mạnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cho biết, đã có một số đại diện các ngân hàng đến làm việc với ban lãnh đạo bệnh viện về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nhưng bệnh viện chưa đồng ý triển khai. Lý do: Người dân chưa mặn mà, nhất là các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa và phí dịch vụ quá cao.

“Người dân không trả viện phí qua dịch vụ ngân hàng thì bệnh viện có được từ chối khám-chữa bệnh cho họ không? Có đại diện ngân hàng nói bệnh viện tự bỏ tiền làm thẻ cho người dân để khuyến khích dân sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt” - ông Mạnh chia sẻ - “Bệnh viện chỉ là đơn vị trung gian, sao tự nhiên lại phải bỏ tiền ra làm. Nặng nhất là phí dịch vụ. Sao chúng tôi lại phải trả hàng chục tỉ đồng cho các ngân hàng trong khi họ được hưởng lợi nhiều nhất. Chỉ riêng dòng tiền viện phí chảy vào tài khoản của các ngân hàng cũng là một nguồn lợi không nhỏ với họ rồi”.

Chia sẻ với Lao Động, đại diện một số đơn vị nằm trong diện phải từng bước thực hiện thanh toán không tiền mặt đặt câu hỏi: Tiền của chúng tôi thu từ khách hàng nằm trong tài khoản của các ngân hàng. Lẽ ra họ phải trả cho chúng tôi chứ, hoặc thậm chí không mất phí. Sao lại bắt chúng tôi trả phí để chuyển tiền cho họ giữ và khai thác?

Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các ngân hàng phải nghiên cứu lại để hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo điều kiện tốt nhất để các bệnh viện và bệnh nhân cùng hợp tác tham gia.

Ông Nguyễn Văn Đoan - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh - cho biết, đơn vị này sẽ có công văn đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm phí dịch vụ cho các đơn vị tham gia thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Nguyễn Hùng