Bộ Xây dựng nói gì về giá cát xây dựng tăng?

00:00 12/10/2020

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, giá cát tăng cao trước hết là do lệch pha cung cầu. Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo về triển khai đợt cao điểm chống khai thác cát trái phép trên phạm vi toàn quốc; đồng thời rà soát tiếp tục cho phép các dự án khai thác cát… Ông Bắc phân tích, số liệu giá cát trong hai tháng gần đây (nhất là sau khi triển khai đợt cao điểm chống khai thác cát trái phép trên phạm vi toàn quốc) liên tục tăng; đặc biệt tăng cao ở một số thành phố lớn không có nguồn cát cung cấp tại chỗ. Ví dụ: Tại tỉnh Đồng Tháp, giá cát tại nơi khai thác với cát cho bê tông, cát xây tô dao động từ 45.000÷80.000 đồng/m3; giá cát hạt trung bình tại công trình từ 160.000÷220.000 đồng/m3; cát hạt mịn từ 110.000÷ 130.000 đồng/m3; cát đen: 90.000 đồng/m3; cát đã qua sàng rửa 180.000 đồng/m3. Tại TP. Hồ Chí Minh, giá cát các loại tại thời điểm quý II/2017 tăng. Cụ thể, quận 10 giá cát san lấp tăng lên 232.000 đồng/m3 (tăng 78% so với giá cát thời điểm quý I/2017), quận Gò Vấp giá cát xây tô: 436.000 đồng/m3 (tăng 92% so với giá cát thời điểm quý I/2017), cát cho bê tông: 560.000 đồng/m3 (tăng 155% so với giá cát thời điểm quý I/2017), cát san lấp: 200.000 đồng/m3; một số quận, huyện khác như quận 11, huyện Nhà Bè giá cát hầu như giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể. Tại Hà Nội, giá tại khu vực Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gồm: Cát sông Lô: 280.000 - 380.000 đồng/m3; cát đen, cát tô trát và cát san lấp là 100.000 - 140.000 đồng/m3. Trong khi cuối tháng 3, giá bán cát cho bê tông là 200.000 - 300.000 đồng/m3 và cát cát đen, cát tô trát và cát san lấp là 80.000 đồng/m3. Như vậy, trong thời gian gần đây, giá cát xây dựng dùng cho bê tông đã tăng với biên độ từ 50-200% so với giá cát tại thời điểm tháng 3 (thời điểm khi các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm phòng chống khai thác cát trái phép). “Ngoài ra, khi các cơ quan tăng cường kiểm soát và tạm dừng khai thác cát tại địa phương, dẫn đến nguồn cung càng thiếu không đáp ứng nhu cầu. Một số doanh nghiệp, chủ bến bãi hoặc đầu mối cung cấp cát tại một số địa phương lợi dụng thời điểm này đã đầu cơ tích trữ cát. Các chủ dự án công trình xây dựng và chính quyền địa phương bị động trong việc cân đối nguồn cung cát xây dựng, việc sử dụng nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên, còn rất hạn chế. Do đó, các công trình hiện nay vẫn tập trung sử dụng cát tự nhiên dẫn đến khi nguồn cung thiếu đẩy giá cát xây dựng tăng”, ông Bắc nói. Để giải quyết bài toán bình ổn thị trường cát, ông Bắc cho rằng, cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi xây dựng theo đúng quy định, đặc biệt chú ý tới việc thực hiện không có tác động xấu tới môi trường và không được gây sạt lở, sụt lún bờ sông khi khai thác. Đối với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số nơi có nhu cầu sử dụng cát xây dựng lớn, UBND các thành phố cần chỉ đạo lập phương án về yêu cầu, tiến độ cung ứng cát xây dựng cho toàn thành phố để chủ động chỉ đạo kế hoạch cung cấp ổn định, phù hợp; đồng thời thực hiện nghiêm các giải pháp chống đầu cơ, tích trữ, ép giá, nâng giá cát trái quy định. (Theo NGỌC MAI - Tienphong.vn_