Băn khoăn đánh giá lại quy mô GDP

00:00 12/10/2020

Tổng cục Thống kê khẳng định việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, còn ý kiến lo ngại việc điều chỉnh số liệu về GDP có thể khiến các chỉ tiêu về an toàn nợ công thấp xuống tạo dư địa vay nợ nhiều hơn; thu nhập bình quân đầu người tăng về mặt con số nhưng không cải thiện điều kiện sống.…

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết Tổng cục Thống kê đang tiến hành “đánh giá lại quy mô GDP”, là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới.

Còn nhiều khó khăn

Việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên Hợp quốc khuyến nghị, xuất phát từ có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính. Cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế.

Theo Tổng cục Thống kê, hầu hết quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Indonesia… đã tiến hành điều chỉnh, công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan.

Cuối tháng 7/2013, Mỹ công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố trước đó. Trung Quốc nhiều lần tiến hành đánh giá lại quy mô GDP (năm 2004, năm 2008, năm 2013 và năm 2015), trong đó năm 2013 đã bổ sung khoảng 305 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 3,4%; năm 2015 tiếp tục bổ sung 141 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 1,3%. Năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Đức tăng 3%; Italia tăng 7%. Năm 2014, GDP của Bulgari đánh giá lại tăng 31,2%; Rumani và Croatia tăng 28,4%…

Về nội dung thực hiện, ông Lâm cho biết trong lần thu thập thông tin để thống kê, đánh giá lại quy mô GDP lần này sẽ “quét” hết tất cả các ngành, các lĩnh vực, chỉ trừ kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp vì không có khả năng thu thập thông tin.

Trong những lần thực hiện thống kê lại GDP giai đoạn trước có hai ngành và lĩnh vực không được thực hiện là khối kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vì không có thông tin. “Song với lần thực hiện này, cuộc tổng điều tra quy mô thực hiện một cách khá toàn diện và do chính Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nên Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều phải báo cáo, thực hiện hoạt động điều tra và gửi kết quả điều tra tổng hợp cho nền kinh tế chúng tôi bổ sung thêm được”, ông Lâm nói.

Tổng cục Thống kê cho biết đợt thống kê đánh giá lại quy mô GDP lần này cũng bổ sung thêm được thông tin của hơn 70.000 doanh nghiệp (DN).

Tuy nhiên, ông Lâm cũng nêu ra những khó khăn khi đánh giá lại quy mô GDP. Đó là nguồn thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu tốt hơn nhưng vẫn chưa đầy đủ về thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm… Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Đáng chú ý, có DN hàng không hoạt động rất hiệu quả nhưng qua tổng điều tra hàng năm, cơ quan thống kê tiếp cận thông tin rất khó khăn.

Ban-khoan-danh-gia-lai-quy-mo-6402-1529-

Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ giúp nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới

Lo thành tích “trên giấy”

“Tổng điều tra kinh tế vừa rồi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê cũng có báo cáo gửi Bộ GTVT đề nghị nhưng sự phối hợp thông tin của DN này không tốt. Chúng tôi phải vào website của họ lấy thông tin và lấy thông tin từ Tổng cục Thuế, đồng thời lấy số liệu thông tin hành chính của Sở KH&ĐT”, ông Lâm chia sẻ.

Ông Robert Dippelsman, Phó trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết theo lời mời của Tổng cục Thống kê, IMF đã cử một đoàn công tác sang Việt Nam lần này để giúp rà soát phương pháp đánh giá lại quy mô GDP. IMF muốn Việt Nam có thể nắm bắt được tất cả các số liệu thống kê liên quan đến các DN mới, các DN vừa và nhỏ, các DN nước ngoài mà trước đây có thể trong quá trình thống kê về GDP chưa tính được hết và chưa cập nhật được đầy đủ những số liệu này, để đảm bảo bao phủ 100% toàn bộ những hoạt động kinh tế ở Việt Nam.

Ông Robert cũng cho rằng đối với một quốc gia có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc này sẽ khó khăn hơn. Và Tổng cục Thống kê hiện nay có một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là phải phối hợp được với tất cả các bộ, ngành, cơ quan để làm sao rà soát, đánh giá và đảm bảo độ bao phủ 100% như mong muốn trong lần rà soát này.

Trước đó, tại Hội nghị Cải thiện Năng suất lao động quốc gia ngày 7/8, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết vừa hoàn thành cách tính GDP. Theo cách tính này, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 3.000 USD/ người/năm, tăng gần 400 USD (với cách tính hiện nay, GDP đầu người Việt Nam chưa tới 2.600 USD/năm).

Vì vậy, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại việc điều chỉnh số liệu về GDP có thể khiến các chỉ tiêu về an toàn nợ công thấp xuống tạo dư địa vay nợ nhiều hơn; thu nhập bình quân đầu người tăng về mặt con số nhưng không cải thiện điều kiện sống…

PGs.Ts. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, bình luận: thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2.590 USD lên 3.000 USD. Với dân số hiện nay vào khoảng 97,53 triệu người, quy mô GDP của cả nền kinh tế tăng từ 253 tỷ USD lên 293 tỷ USD (tăng 40 tỷ USD).

Điều đó có nghĩa Việt Nam sẽ chính thức vượt qua Lào trên bảng xếp hạng thu nhập của Ngân hàng Thế giới. Năm 2018, GDP/người của Lào là 2.568 USD, còn của Việt Nam là 2.564 USD, góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, nợ công sẽ giảm từ 58,4% GDP hiện nay xuống còn khoảng 50,4% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 46,0% GDP hiện nay xuống còn dưới 40,0%. Xếp hạng tín nhiệm của quốc gia cũng theo đó mà tăng lên. So với trần nợ công 65%, Chính phủ còn rất nhiều dư địa để vay nợ…

Theo ông Thế Anh, vị trí của nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn được nâng lên khi đánh giá lại quy mô GDP, song điều lo ngại nhất là “nồi cơm” của nhân dân không có gì thay đổi. Người dân trước đây sống như thế nào thì nay vẫn sẽ như thế, đời sống không cải thiện hơn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng kết quả của thống kê này để làm gia tăng phần trăm của GDP hay nới trần nợ công, thay vào đó cần lấy dữ liệu thống kê này để đưa ra chính sách, đối sách giúp DN lớn lên và diệt trừ tham nhũng vặt, “sân sau”.

Thực tế cho thấy hộ kinh doanh cá thể có tư tưởng không muốn lên DN, thay vì mở rộng quy mô, họ sẽ lập DN mới để tránh vào tầm ngắm sách nhiễu của cơ quan quản lý nhà nước. “Khu vực phi chính thức duy trì lâu, tồn tại dai dẳng vì người làm kinh doanh không chỉ né tránh nghĩa vụ thuế mà còn muốn tránh nhiều khoản đóng vô lý khác”, bà Lan nhận định.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Sau khi đánh giá lại quy mô GDP, số liệu thống kê của Việt Nam sẽ tốt hơn, cung cấp một bức tranh tổng thể sát thực hơn, rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và trở thành thông tin đầu vào hữu ích cho Chính phủ, các nhà đầu tư và người dùng tin.

Ông Emnanuel Manolikakis - Chuyên gia tư vấn của IMF

Đối với Việt Nam, vấn đề lớn nhất chính là sự thay đổi rất nhanh về cơ cấu kinh tế, với nền kinh tế mới và đang phát triển, số lượng các DN nhỏ và vừa rất lớn. Ngoài ra, kinh tế hộ gia đình cũng rất khó để có thể nắm bắt được số liệu thống kê một cách kịp thời và đầy đủ.

Ts. Bùi Trinh - Chuyên gia kinh tế

Nếu đo lại quy mô GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỷ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống. Trong khi nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ ảo để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi thực tại.

Lê Thúy