Bài 2: Bài toán nào cho số lượng tổ chức Đảng, đảng viên trong các KCN chưa tương xứng?

00:00 12/10/2020

Tại các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN-CX), nơi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, công tác xây dựng và phát triển TCCS Đảng còn gặp khó khăn hơn nhiều so với khu vực khác. Bà Nguyễn Thị Mộng Hoa- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Đảng ủy các KCN- CX Hà Nội đã có những chia sẻ với Doanh nghiệp & Hội nhập về thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và phát triển TCCS Đảng trong các KCN trên địa bàn Hà Nội.

 

Bà Nguyễn Thị Mộng Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Đảng ủy các KCN- CX Hà Nội 

Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ các KCN- CX Hà Nội nêu rõ:“Số lượng tổ chức Đảng, đoàn thể, số lượng đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của doanh nghiệp trong các KCN” đã thể hiện được khó khăn trong công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên. Từ thực tế hoạt động, xin bà chia sẻ rõ hơn về vấn đề này? 

Bà Nguyễn Thị Mộng Hoa: Trên địa bàn Hà Nội hiện có 9 KCN thu hút trên 700 doanh nghiệp với lực lượng công nhân lao động đông đảo. Được thành lập năm 2002, Đảng bộ các KCN- CX Hà Nội hiện có 87 TCCS Đảng (6 Đảng bộ và 81 chi bộ) với hơn 1.200 đảng viên. Như vậy, số lượng cơ sở Đảng chỉ chiếm hơn 10% tổng số doanh nghiệp, chưa tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp trong các KCN. 

Đặc thù của các KCN tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mục tiêu hàng đầu của các chủ doanh nghiệp là tập trung vào phát triển sản xuất kinh doanh, chính vì vậy việc vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp này thành lập TCCS Đảng thực sự rất khó, bởi họ không hợp tác, có chủ doanh nghiệp từ chối thẳng thừng. Câu hỏi đầu tiên được doanh nghiệp và quần chúng quan tâm khi chúng tôi đến tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức Đảng đó là:“Thành lập tổ chức Đảng, doanh nghiệp được gì, đảng viên được gi?” Đó là một câu hỏi rất cơ bản, nếu như chúng ta không có được lý lẽ đầy đủ thì không thể thuyết phục được quần chúng cũng như chủ doanh nghiệp. Chúng tôi phải kết hợp các hoạt động quản lý nhà nước gắn với tuyên truyền, vận động. Thông qua tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên tập hợp danh sách đảng viên rồi xuống doanh nghiệp tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp. Có những đơn vị chúng tôi đến làm việc, tuyên truyền vận động thành lập tổ chức Đảng đến nay là năm thứ 5, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn chỉ hứa hẹn sẽ xem xét. Có những doanh nghiệp đồng ý thành lập chi bộ nhưng trước khi thành lập họ yêu cầu chi bộ cam kết không được tụ họp quá ba người trong nhà máy, không được đăng ký nghỉ làm để tổ chức họp vì ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Vì thế, khi được Đảng ủy Ban quản lý các KCN- CX triệu tập họp, có đồng chí Bí thư chi bộ chia sẻ:“Tôi phải xin nghỉ không lương để đi họp vì doanh nghiệp không cho nghỉ phép”. Còn chuyện các chi bộ phải tổ chức sinh hoạt tại quán cà phê, nhà trọ của công nhân... cũng không phải hiếm. 

 Ảnh minh họa

Đối với doanh nghiệp Việt Nam thì có hai đối tượng, một là những doanh nghiệp nhận thức đúng đăn, dành sự quan tâm, đầu tư nghiêm túc cho công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên. Điển hình như Đảng bộ Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Chi bộ Công ty Cổ phần Thiết bị vật tư dầu khí Việt Nam, Chi bộ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức, các doanh nghiệp này coi tổ chức Đảng là một thế mạnh để phát triển tốt công tác đoàn thể, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp… Còn lại là những doanh nghiệp chỉ làm cho có, không có sự quan tâm, thậm chí có Bí thư chi bộ còn bị gây khó dễ... Đây là một thực tế đáng buồn.

Việc phát triển đảng viên cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng, chúng tôi tổ chức các lớp học bồi dưỡng kiến thức về Đảng...Với những KCN có từ 30 - 40 quần chúng, chúng tôi phải xuống tận nơi để mở lớp, còn đông hơn thì tổ chức tại Ban Quản lý, đi xa công nhân phải nghỉ việc một ngày thứ 7 và sẽ không được nhận lương. Sau khi công nhân học xong thì phải khai lý lịch, chỉnh sửa hoàn thiện rồi đi thẩm tra xác minh lý lịch… đều làm ảnh hưởng đến thời gian và công việc của người lao động... Khó nhất là việc thuyết phục để cho người lao động nhận thức, hiểu biết về tổ chức Đảng. Có nhiều đồng chí lãnh đạo doanh nghiệp đi học bồi dưỡng kiến thức về Đảng đến hai lần nhưng không hoàn thiện hồ sơ lý lịch. Tiếp đến là áp lực từ chủ doanh nghiệp. Ngoài không mặn mà việc công nhân vào Đảng, kể cả có các công nhân là đảng viên đang làm việc trong doanh nghiệp, đủ điều kiện thành lập chi bộ nhưng họ cũng không ủng hộ. 

Thực tế nhiều Bí thư chi bộ trong doanh nghệp lại không phải là chủ doanh nghiệp nên không thể hiện hết được vai trò của mình cũng như tổ chức Đảng, xin bà cho biết quan điểm về vấn đề này?

 Bà Nguyễn Thị Mộng Hoa: Thực ra điều này vừa đúng lại không đúng. Bởi vì tổ chức Đảng có chức năng, nhiệm vụ là phối hợp với chủ doanh nghiệp để xây dựng, phát triển doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp. Mục tiêu của tổ chức Đảng là xây dựng tổ chức, phát triển đảng viên để cùng với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt việc phát triển sản xuất kinh doanh. Từ đó có thể thấy vị trí vai trò của Bí thư chi bộ ở đây là rất quan trọng, chính vì vậy mục tiêu lựa chọn đội ngũ Bí thư chi bộ tại các doanh nghiệp được Đảng ủy Ban quản lý các KCN- CX quan tâm và đặt lên hàng đầu. Đội ngũ Bí thư chi bộ là những đồng chí có tiếng nói nhất định, hướng vào đội ngũ cán bộ Công đoàn, cán bộ cấp trung của doanh nghiệp trở lên để phát triển đảng viên và đào tạo tạo nguồn cán bộ cho doanh nghiệp. Từ thực tế đã chứng minh, nếu Bí thư chi bộ là chủ doanh nghiệp thì hiệu quả công tác Đảng tại đó sẽ rất tốt. Cũng có những đơn vị Bí thư chi bộ không phải là lãnh đạo cao nhất nhưng có tiếng nói uy tín với chủ doanh nghiệp thì hiệu quả công tác Đảng tại doanh nghiệp đó cũng rất cao.

Vấn đề ở đây là công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp ủy cơ sở rất quan trọng. Nếu như chúng ta có được đội ngũ cán bộ tốt thì vai trò tổ chức Đảng trong doanh nghiệp sẽ “rất nét”. Nhưng hiện tại cái khó khăn nhất đó là hầu hết các Bí thư chi bộ đều không chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm công tác Đảng. Họ làm bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, phải làm việc ngoài giờ hoặc nghỉ không lương để làm công tác Đảng. Trong Đề án 25 của Thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ thành lập Đảng bộ cơ sở tại các KCN, đây cũng là một hình thức để nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Đảng, tuy nhiên vấn đề là không có biên chế chính thức. Đảng ủy Ban Quản lý các KCN- CX Hà Nội đang đề xuất với Thành ủy cho cơ chế cộng tác viên, Bí thư, Phó Bí thư từ cấp ủy cơ sở sẽ là cộng tác viên ký hợp đồng với Ban Quản lý. Nếu như cơ chế này được thống nhất thông qua sẽ tạo được sự thuận lợi rất lớn cho công tác Đảng tại các KCN trong thời gian tới. 

Theo bà, khi có tổ chức Đảng, các doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi gì?

Bà Nguyễn Thị Mộng Hoa: Đảng ủy Ban Quản lý các KCN- CX Hà Nội luôn xác định xây dựng tổ chức Đảng thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp với các sở, ngành thành phố, để mọi khó khăn của doanh nghiệp sẽ được chia sẻ, tiếp nhận và giải quyết nhanh nhất. Hiện nay, tại những doanh nghiệp có TCCS Đảng, khi doanh nghiệp gặp vấn đề khó khăn, tổ chức Đảng tại đó sẽ thông tin với cấp ủy cấp trên, từ đó cấp ủy cấp trên sẽ có những tác động nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết.Từ những việc cụ thể như vậy, tổ chức Đảng đã thể hiện được vai trò thông tin, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngoài ra, vai trò của tổ chức Đảng còn được thể hiện rất mạnh mẽ, được nhiều doanh nghiệp ghi nhận, đó chính là tính nhân văn, đạo đức của người đảng viên trong doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp khi tiếp xúc làm việc với chúng tôi đều công nhận, tất cả người lao động là đảng viên trong doanh nghiệp đều là những người có đạo đức rất tốt, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không có đảng viên nào vi phạm kỷ luật, không ai tự ý bỏ việc. Tổ chức Đảng như một sợi dây ràng buộc giữa đảng viên với doanh nghiệp, giúp tạo sự gắn kết lớn hơn so với quần chúng thông thường. Đây chính là một sự ghi nhận hoàn toàn vô tư, chính đáng, thậm chí tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tiêu chí là đảng viên được coi là tiêu chí ưu tiên để đề bạt bổ nhiệm, tăng lương.

Từ những thuận lợi và khó khăn, theo bà để công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên trong các KCN- CX Hà Nội đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa cần những giải pháp căn bản nào?

 Bà Nguyễn Thị Mộng Hoa: Để đề ra một giải pháp tổng thể, một giải pháp hiệu quả, thì tôi trả lời là chưa thể có được. Với mỗi một doanh nghiệp, mỗi một đối tượng cần có những giải pháp phù hợp. Để thành lập tổ chức Đảng tại mỗi doanh nghiệp là một phương pháp thực hiện khác nhau, không đơn vị nào giống đơn vị nào. Có những doanh nghiệp dùng tới sự tác động từ đảng viên tới chủ doanh nghiệp, nhưng có những doanh nghiệp sẽ dùng sức ép từ chủ doanh nghiệp xuống đảng viên, bởi có nhiều đảng viên muốn được sinh hoạt ở nơi cư trú, không muốn chuyển về sinh hoạt tại doanh nghiệp. Hơn nữa, từ trước đến nay việc phát triển cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là một việc hoàn toàn mới, chúng tôi phải vừa làm, vừa tìm hiểu, không có riêng một quy chuẩn để áp dụng, hoàn toàn là tuyên truyền, vận động và thuyết phục.

Công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên trong các KCN còn gặp nhiều khó khăn

Một giải pháp chúng tôi đang thực hiện đã cho thấy kết quả và sự chuyển biến rất tốt, đó là Ban chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy KCN- CX Hà Nội phân công các đồng chí Thường vụ, các đồng chí Chấp hành phụ trách công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên từng khu vực. Ví dụ có 9 KCN thì mỗi đồng chí Thường vụ sẽ phụ trách ít nhất một KCN, kèm theo là 3 đến 4 đồng chí Chấp hành phụ trách theo nhóm, bao gồm nhóm những doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng và nhóm những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển cơ sở Đảng. Từ đấy chúng tôi tiếp cận xát xao tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy các tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp qua các hoạt động của mình giới thiệu quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. 

Đảng ủy Ban Quản lý các KCN- CX Hà Nội đang phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, đề xuất thành lập Hội Liên hiệp thanh niên KCN- CX để thông qua các hoạt động dễ tiếp cận với doanh nghiệp FDI hơn. Vì lực lượng thanh niên trong độ tuổi Đoàn, Hội tại các KCN chiếm trên 80 % tổng số lực lượng lao động, chúng tôi phải thiết lập bằng nhiều con đường khác nhau, ban đầu phát triển đảng viên như kiểu nuôi cấy, sau đó từ phát triển đảng viên dẫn đến phát triển tổ chức Đảng, lựa chọn cán bộ đào tạo, bồi dưỡng tham gia công tác Đảng tại các doanh nghiệp. 

Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi!

Với đặc thù với 97,7% là các TCCS Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trong đó TCCS Đảng trong các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm 59%, nên trong hoạt động điều hành có việc, có lúc còn khó khăn lúng túng trong việc áp dụng các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước trong tổ chức và hoạt động. Ban Chấp hành Đảng bộ chưa có nhiều giải pháp thực sự hiệu quả nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp tại các KCN. Nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể có lúc còn lúng túng; số lượng tổ chức Đảng, đoàn thể, số lượng đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của doanh nghiệp trong các KCN.

(Trích báo cáo kiểm điểm BCH Đảng bộ các Khu CN- CX Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020)

Chính Trương - Ngọc Thái (thực hiện)

Bài 3:Thanh Hóa: Hiệu quả khi đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống