Áp chống bán phá giá với nhôm ngoại

00:00 12/10/2020

PGS. TS Trần Việt Dũng, Đại học luật TP HCM, Cố vấn cao cấp của Victory LLC cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, để bảo vệ DN ngay trên sân nhà.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, dạng thanh, que và hình có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, những thiệt hại của doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố cốt lõi của cuộc điều tra.

- Đây được xem như là biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong bối cảnh ngành nhôm đang đứng trước khó khăn? Ông đánh giá như thế nào về việc này?

PGS. TS Trần Việt Dũng: Từ tháng 3/2018, Mỹ bắt đầu áp dụng thuế bổ sung đối với một số sản phẩm nhôm thép nhập khẩu ở mức 10-25% tùy loại, với lý do “an ninh quốc phòng” dẫn tới những biến động, chuyển hướng của dòng lưu chuyển của các sản phẩm nhôm thép sang các thị trường khác.

Và để bảo vệ mình, các thị trường, trong đó có Việt Nam cũng đã và đang tăng cường các biện pháp phòng vệ đối với nhôm, thép nhập khẩu. Ví dụ Liên minh Châu Âu, Liên minh Kinh tế Á Âu đã áp dụng biện pháp tự vệ với một loạt sản phẩm nhôm. Vì vậy, thế giới lại đang chứng kiến một đợt sóng phòng vệ mới đối với nhôm, thép để các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ sản phẩm từ chính quốc gia mình.

Theo thống kê thì trong năm 2018, doanh số ngành nhôm sụt giảm mạnh đến 80% so với năm 2017. Cụ thể nếu năm 2017 đạt giá trị 4,5 tỷ USD thì năm 2018 chỉ còn 800 triệu USD, tức giảm hơn 80% trong vòng 1 năm.

Do đó, ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng việc chúng ta nên sử dụng các hình thức phòng vệ thương mại để bảo vệ các sản phẩm có xuất xứ từ trong nước. Bởi với sự tràn ngập của hàng giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam mà không sử dụng biện pháp phòng vệ thì không sớm thì muộn ngành nhôm Việt cũng đứng trước nguy cơ bị “bức tử”.

-Nhưng dù có tiến hành phòng vệ đi chăng nữa, thì tình trạng hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam và trà trộn vào hàng Việt vẫn là nguy cơ khó tránh khỏi, thưa ông?

PGS. TS Trần Việt Dũng: Đúng vậy, đúng là trong một số trường hợp doanh nghiệp vì thiếu kiến thức hoặc ham lợi trước mắt mà cấu kết với doanh nghiệp nước ngoài (nơi đã bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp) để cho chuyển khẩu hoặc gian lận về xuất xứ, dẫn tới tình trạng hàng có xuất xứ không rõ ràng đánh lừa người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội Nhôm Việt Nam, năm 2017, nhôm Trung Quốc  chiếm 30% thị phần tại Việt Nam thì nay đã tăng lên 70%, nhôm trong nước chỉ vỏn vẹn còn 30% thị phần.

Với các dòng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài, thì đa phần đây là các dòng sản phẩm có chất lượng nguyên liệu thấp cùng các tiêu chuẩn kĩ thuật được chỉnh sửa phù hợp với sản phẩm giá rẻ, kết hợp việc mở biên độ lợi nhuận cao cho trung gian phân phối là chiêu bài được thực hiện bởi các hãng nhôm nước ngoài, đặc biệt là nhôm Trung Quốc. Chính điều này đã tạo sự cạnh tranh bất công với các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi vừa phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa phải gồng mình đương đầu với cuộc chiến về giá.
'Trong trường hợp này, để hạn chế, cơ quan quản lý nhà nước nên siết chặt nguồn gốc nhập khẩu của hàng hóa để tránh tình trạng hàng Việt chân chính bị ảnh hưởng.

Việt Nam có nên hoàn thuế đối với các sản phẩm nhôm xuất khẩu để tạo ra lợi thế cạnh tranh của sản phẩm như một số nước đã áp dụng không, thưa ông?

PGS. TS Trần Việt Dũng: Nếu có thể, trong điều kiện cho phép thì nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức này. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây chỉ là giải pháp mang tính chất “tình thế” mà thôi. Về lâu dài doanh nghiệp phải áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm để hàng hóa ngày càng cạnh tranh hơn.

Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, ngành vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ có sự tiến bộ vượt bậc. Các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt cần phát triển thêm nhiều hệ nhôm cao cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh của thương hiệu. Đồng thời cũng cần tăng ý thức tự vệ, bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu quy trình sản xuất để có chi phí hợp lý, thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng.

Cuối cùng, ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp trong câu chuyện này?

PGS. TS Trần Việt Dũng: Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng việc ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới. Trong bối cảnh đó, các công cụ phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) càng cần được các doanh nghiệp biết đến và tận dụng, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất nội địa trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nước ngoài nhập khẩu nếu xảy ra những tình huống như vậy.

Thứ nhất, doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động nâng cao nhận thức và năng lực pháp luật của mình. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và các điều kiện sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì mới có thể hy vọng họ hành động đúng và kịp thời.

Thứ hai, cần phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cùng ngành. Để có thể khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại, không chỉ một doanh nghiệp muốn là có thể thực hiện, có những điều kiện nhất định để đảm bảo điều kiện là đại diện cho ngành sản xuất nội địa trong quá trình khởi xướng và theo đuổi vụ việc. Vì vậy, các doanh nghiệp trong cùng ngành cần sát cánh bên nhau, đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình trước hiện tượng hàng nhập khẩu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ ba, cần cơ chế hỗ trợ thông tin từ phía Nhà nước đối với những nhóm thông tin mà doanh nghiệp không thể tự tập hợp hay thống kê được. Đây là sự hỗ trợ và cũng đồng thời là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan để thực thi những văn bản pháp luật liên quan.

Tất cả những điều này đều không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để chúng ta chấp nhận thua thiệt trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu trên chính thị trường nội địa của mình. Kinh nghiệm từ các nước khác (đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, hai nước thuộc nhóm bị kiện nhiều nhất và cũng đi kiện nhiều nhất) cho thấy “vừa học vừa làm” là cách thức rất đáng cân nhắc.

Xin cảm ơn ông!