Yếu kém về năng lực sẽ cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ CPTPP

13:46 07/04/2021

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao, việc thực thi Hiệp định khá vất vả khi năm đầu tiên Hiệp định đi vào hiệu lực doanh nghiệp chịu tác động của Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, năm thứ hai lại chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19...

Phát biểu tại Hội thảo: Hai năm thực thi Hiệp định CTCPP tại Việt Nam: Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp, do VCCI tổ chức sáng 7/4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định CPTPP và các hiệp định trong tương lai. Tiếp theo đó là các biến động và bất định của thị trường.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Nhóm lực cản thứ ba liên quan tới yếu tố từ góc độ các cơ quan nhà nước, như: thiếu thông tin về các cam kết, chậm chạp, vướng mắc và thiếu linh hoạt cũng như các hạn chế khác trong tổ chức thực thi Hiệp định CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước... Cuối cùng là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp...

Kết quả trên đã cho thấy, những khác biệt so với khảo sát năm 2016 của VCCI. Nếu như 5 năm trước, bất cập trong thực thi của cơ quan nhà nước là những lý do chủ yếu cản trở doanh nghiệp thì nay nguyên nhân lại là từ năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cho biết, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) còn khiêm tốn. Thực tế khảo sát cho thấy, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã hái được “trái ngọt” từ Hiệp định này.

Theo ông Lộc, với 3/4 các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong 2 năm vừa qua.

Trong số các doanh nghiệp đã từng có giao dịch với các thị trường này nhưng chưa hưởng lợi CPTPP, lý do được phần lớn (75%) doanh nghiệp đề cập là họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP.

Cũng có một tỷ lệ đáng kể (60%) không thấy có cam kết CPTPP liên quan hoặc do đã hưởng ưu đãi khác phù hợp hơn. Một số ít doanh nghiệp (14-16%) nêu các lý do khác như các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn, hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu của doanh nghiệp còn hạn chế...

Về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định CPTPP, có 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định. Tuy nhiên, 20 doanh nghiệp mới chỉ có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết Hiệp định CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

“Kết quả này cho thấy, với một FTA khó và phức tạp như Hiệp định CPTPP thì cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới”, báo cáo nhận định.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu.

“Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”, ông Lộc nói. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngoài ra, với doanh nghiệp cần chủ động hơn tìm hiểu cơ hội, cam kết Hiệp định CPTPP và hành động hiện thực hóa lợi ích từ Hiệp định là đòi hỏi quan trọng nhất. Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh mà bắt đầu tư năng lực cạnh tranh của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập.

Trên thực tế, những điểm cần khắc phục để tận dụng Hiệp định CPTPP đã được nêu ra từ trước khi hiệp định có hiệu lực, như sự chủ động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vấn đề này các bộ, ngành đã phổ biến nhiều nhưng mức độ chủ động của doanh nghiệp còn chưa cao.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), dường như sự chủ động tìm hiểu thông tin của các doanh nghiệp nhóm này đang là vấn đề lớn nhất cản trở họ hưởng lợi từ ưu đãi này của Hiệp định.

Khảo sát của WTO cho thấy, với 80% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, lý do khiến họ chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP nằm ở việc “nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp... không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ”. Rõ ràng sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất kinh doanh có lẽ là bài toán cần lời giải để nhóm này có thể chớp các cơ hội từ CPTPP nói riêng và các FTA nói chung.

Trong khi đó, việc không hưởng ưu đãi thuế CPTPP của doanh nghiệp FDI lại là sự lựa chọn có chủ ý rõ ràng, khi họ từ bỏ ưu đãi thuế CPTPP chủ yếu do thuế MFN hoặc thuế theo các FTA tốt hơn CPTPP.

Hơn phần nửa thời gian có hiệu lực của CPTPP - hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn theo cách chưa từng có bởi đại dịch Covid-19. Dự báo doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản sống chung với Covid-19 theo cách thức đặc biệt - kinh doanh trong bối cảnh “bình thường mới”.

Về tác dụng của CPTPP và FTA trong tương lai hậu Covid-19 này, các doanh nghiệp tỏ ra lạc quan một cách bất ngờ. 60% cho rằng CPTPP và các FTA sẽ tương đối hoặc rất hữu ích cho họ trong giai đoạn “bình thường mới”, lớn hơn mức 47% doanh nghiệp đánh giá CPTPP và các FTA có tác động tích cực trong thời gian đã qua.

Có khoảng 10% doanh nghiệp cho rằng CPTPP và các FTA hầu như sẽ không có ý nghĩa gì trong việc này, 29% doanh nghiệp không chắn chắn về chuyện CPTPP hay các FTA có thể có tác động gì, tiêu cực hay tích cực, giám đốc WTO thông tin. 

Từ khảo sát này có thể thấy Hiệp định CTCPP đã có những tác động tích cực bước đầu, mang tới những lợi ích thực tế cho một số doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, mà nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch COVID-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính Nhà nước và các doanh nghiệp.

Trên cơ sở các phát hiện này, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể rút kinh nghiệm để “dọn mình” tốt hơn, sẵn sàng thực thi hiệu quả hơn trong thời gian tới, bà Trang kiến nghị.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, ở các sản phẩm nông sản, chúng ta đã cố gắng cải thiện chất lượng, nhưng vì còn sản xuất nhỏ lẻ, nên khó khăn trong cải thiện một cách đồng bộ.

Gia nhập Hiệp định CPTPP ngoài việc giúp doanh nghiệp tăng xuất khẩu thì còn là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt tạo sức ép về cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực của mình.

Để tiếp tục tận dụng tốt hơn Hiệp định này thời gian tới, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp..

Gia Bảo