Xuất khẩu thức ăn gia súc những tháng đầu năm 2021 tăng trưởng tốt

18:42 05/04/2021

Trong những tháng đầu năm 2021 kim ngạch thức ăn gia súc của cả nước đạt trên 110,57 triệu USD, tăng 22,8% so với 2 tháng đầu năm 2020. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc trong tháng 2/2021 giảm mạnh 26,5% so với tháng 1/2021 và cũng giảm 11,7% so với tháng 2/2020, đạt 46,89 triệu USD.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021 kim ngạch thức ăn gia súc của cả nước đạt trên 110,57 triệu USD, tăng 22,8% so với 2 tháng đầu năm 2020. Thức ăn gia súc của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia, đạt trên 20,14 triệu USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 18,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; riêng tháng 2/2021 xuất khẩu sang thị trường này lại giảm mạnh 27% so với tháng 1/2021 và giảm 4,8% so với tháng 2/2020, đạt 8,5 triệu USD.

Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Ấn Độ đạt 18,73 triệu USD, chiếm 16,9%, tăng mạnh 44,5%; riêng tháng 2/2021 cũng giảm mạnh 32,6% so với tháng 1/2021 và giảm 17,3% so với tháng 2/2020, đạt 7,54 triệu USD. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc đạt 16,57 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ; riêng tháng 2/2021 cũng tăng mạnh 55,3% so với tháng 1/2021 và tăng 5,8% so với tháng 2/2020, đạt 10,08 triệu USD.

Xuất khẩu thức ăn gia súc với nhiều triển vọng phát triển.
Xuất khẩu thức ăn gia súc với nhiều triển vọng phát triển..

Đáng chú ý là thức ăn gia súc xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng 2/2021 giảm mạnh 57,3% so với tháng 1/2021 và giảm 26,2% so với tháng 2/2020, đạt 4,25 triệu USD, nhưng tính chung cả 2 tháng đầu năm 2021 thì lại tăng cao 32% so với cùng kỳ, đạt 14,22 triệu USD.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 800 triệu USD, tăng 16,98% so với năm 2019. Ba thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Campuchia và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang Trung Quốc đạt 211,23 triệu USD, chiếm 26,38% tổng kim ngạch, tăng 15,68% so với năm 2019; Campuchia đạt 122,32 triệu USD, tăng 23,15%; Mỹ đạt 114,5 triệu USD, tăng mạnh 125% so với năm 2019.

Với năng lực sản xuất đang tiếp tục được củng cố nhờ vào các dự án đầu tư mới và mở rộng của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là khối DN ngoại dẫn dắt thị trường, năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng phình to, sẽ sớm đưa mặt hàng này gia nhập nhóm các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam sẽ đạt hàng chục tỷ USD trước 2022.

Với dư địa phát triển được nhận định còn lớn, phân khúc sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang hút nhiều tên tuổi lớn trong khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư mở rộng, xây dựng thêm các nhà máy sản xuất để gia tăng sản lượng.

Minh Hải