Sáng 27/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Mobifone tổ chức Hội thảo “Hóa đơn điện tử theo quy định Nghị định 123/2020 và Thông tư số 78/2021 - Những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi áp dụng”.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, với chức năng là đơn vị đại diện cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam, VCCI nhận thấy việc ngành Thuế triển khai sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy là việc làm vô cùng hữu ích cho doanh nghiệp và người dân.
“Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC với nhiều nội dung mới xuất hiện những vướng mắc phát sinh cần giải đáp, xử lý kịp thời cho người nộp thuế. Đặc biệt là đối với các hộ, cá nhân kinh doanh là những đối tượng lần đầu sử dụng hóa đơn điện tử”, ông Phòng nhấn mạnh.
Cập nhật thông tin về HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và các quy định chính sách Thuế năm 2022, ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế cho hay, HĐĐT có 2 loại là có mã và không có mã của cơ quan thuế.
HĐĐT không có mã của cơ quan thuế do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Doanh nghiệp sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế là doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải (không, bộ, sắt, biển, thủy); nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; thương mại điện tử; Siêu thị; thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập HĐĐT đáp ứng lập, tra cứu HĐĐT, lưu trữ dữ liệu HĐĐT theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua và đến cơ quan thuế.
HĐĐT có mã của cơ quan thuế là HĐĐT được cơ quan thuế cấp mã trước khi người bán gửi cho người mua, bao gồm cả trường hợp HĐ được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Mã của cơ quan thuế trên HĐĐT bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
Tại Hội thảo, bà Đỗ Thị Tuyết Nhung (Honda Việt Nam) cho biết hóa đơn đầu vào doanh nghiệp kê khai theo tháng. Nếu tháng sau doanh nghiệp phát hiện sai sót thì cần điều chỉnh như thế nào?
Liên quan đến nội dung này, đại diện Mobifone cho hay, không căn cứ vào kê khai thuế hay chưa, người sử dụng có thể lựa chọn thực hiện thay thế hay điều chỉnh hóa đơn. Thời gian điều chỉnh hóa đơn, sai tháng nào, điều chỉnh tháng đó.
Cụ thể như sau hóa đơn đã gửi người mua, chỉ sai tên hoặc địa chỉ người mua thì gửi thông báo hóa đơn sai sót lên cơ quan thuế và thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn.
Hóa đơn đã gửi người mua, sai các thông tin khác tên hoặc địa chỉ người mua thì có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức xử lý sau: Lập hóa đơn thay thế hoặc lập lập hóa đơn điều chỉnh.
Đối với trường hợp hóa đơn đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu. Đó là gửi thông báo hóa đơn sai sót cho cơ quan thuế và lập biên bản thỏa thuận ghi rõ sai sót (Nếu 2 bên có thỏa thuận lập biên bản).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ những khó khăn khi thực hiện xuất hóa đơn theo mức giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng. Nhiều câu hỏi về việc hóa đơn chiết khấu thương mại có ghi hóa đơn âm hay không? Quy định xuất hóa đơn hàng xuất khẩu trả lại? xử lý hóa đơn cũ như thế nào sau khi chuyển đổi hóa đơn điện tử… đã được đại diện Tổng cục Thuế và đại diện Mobifone trả lời cho các doanh nghiệp.
Theo: Hải Nam (https://taichinhdoanhnghiep.net.vn)