Xu hướng du lịch thế giới nổi bật thời đại dịch

16:05 24/02/2021

Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu du lịch “ngoại” giảm, tạo cơ hội cho du lịch nội địa và du lịch ảo “lên ngôi”.

Khám phá thế giới qua du lịch ảo

Không thể du lịch khám phá thế giới do dịch Covid-19, nhiều người yêu thích xê dịch đã khám phá những vùng đất mới qua màn hình nhờ các tour du lịch ảo. Nhiều công ty du lịch trong khu vực ASEAN đã nắm bắt xu thế này để đổi mới hình thức kinh doanh, phục vụ du khách.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Công ty Du lịch Exploration Travel (Myanmar) vừa giới thiệu các tour du lịch ảo đến thành phố cổ Bagan. Các nhóm khách có thể đặt một chuyến tham quan riêng kéo dài 45 phút được hướng dẫn viên chỉ dẫn qua Zoom. Hướng dẫn viên được trang bị máy ảnh, vừa đi quanh các điểm tham quan nổi tiếng bằng xe đạp điện, vừa giới thiệu về lịch sử và văn hóa phong phú tại các ngôi đền như Ananda, Dhammayangyi và trả lời các câu hỏi của người xem. Các chuyến du lịch này có giá 50 USD cho một nhóm 10 người ngay tại nhà.

Giám đốc điều hành Exploration Travel, Edwin Briels cho biết: “Cũng giống như các chuyến du lịch thực tế của chúng tôi, những chuyến du lịch ảo được cá nhân hóa hơn và du khách có thể đặt câu hỏi và tương tác”. Edwin cho rằng mặc dù du lịch ảo là một cách hoàn hảo để có được cảm giác được ra khỏi nhà của du khách trong một thời gian, nhưng chắc chắn nó sẽ không giống với chuyến tham quan thực tế ở Bagan. Du lịch ảo là để sử dụng ngay bây giờ và trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, đó có thể là ý tưởng về địa điểm nên ghé thăm sau khi du lịch quốc tế bắt đầu trở lại, nó cũng là giải pháp cho những khách hàng không thể đi du lịch do sức khỏe hoặc hạn chế tài chính hoặc đến thăm các khu vực hiện đang bị hạn chế đối với du khách nước ngoài, chẳng hạn như các ngôi đền Mrauk U ở bang Bắc Rakhine.

Nhiều nước khác cũng đang áp dụng các tour du lịch ảo để phục vụ khách du lịch thời đại dịch. Với tour Virtual Angkor đến Angkor Wat (Campuchia), du khách sẽ được tham gia một cuộc hành trình ngược về thế kỷ 12 bằng công nghệ và ảnh toàn cảnh 360 độ, ngắm nhìn các công trình kiến trúc cổ xưa, tản bộ bên trong các ngôi đền, khám phá cuộc sống hằng ngày của người Campuchia xưa. Du khách cũng có thể thưởng thức vẻ đẹp bãi biển, ruộng bậc thang, đền thờ và đỉnh núi lửa cao vút của đảo Bali (Indonesia) qua một tour online kéo dài từ 60 - 90 phút và có giá từ 3,5 USD. Còn công ty ToursByLocals (Thái Lan) kêu gọi hướng dẫn viên của mình tham gia dẫn các chuyến tham quan ảo ngay tại địa phương. Ở Bangkok, du khách sành ăn có thể đăng ký tour xem chợ Khlong Toei với giá 80 USD, chợ thực phẩm tươi sống lớn nhất thành phố. Du khách cũng có thể đăng ký tour tham quan ảo 360 độ sắp được ra mắt để khám phá Kuala Lumpur (Malaysia) thời điểm này. Các lựa chọn bao gồm một buổi ca hát với Martin Theseira, chuyên gia về âm nhạc truyền thống hoặc cùng xem một đầu bếp địa phương chọn nguyên liệu trong vườn trước khi nấu các món ăn truyền thống.

Tham gia tour du lịch ảo qua Zoom, du khách sẽ được hướng dẫn viên đưa đi khám phá các di tích lịch sử của Indonesia trong thành phố Semarang hay quần thể đền Candi cổ kính với giá 2 USD. Thậm chí, khách du lịch có thể tham gia chuyến du lịch ảo dưới biển của AirPano, khám phá thế giới dưới nước tại đảo Komodo. 

Du lịch nội địa tăng

Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn báo cáo tháng 1/2021 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, tín hiệu tích cực về du lịch nội địa đang diễn ra ở nhiều thị trường, với việc người dân có xu hướng đi du lịch gần địa điểm cư trú.

Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu du lịch “ngoại” giảm, tạo cơ hội cho du lịch nội địa và du lịch ảo “lên ngôi”.
Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu du lịch “ngoại” giảm, tạo cơ hội cho du lịch nội địa và du lịch ảo “lên ngôi”.

Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO chỉ ra rằng, sự lên ngôi của du lịch nội địa sẽ thúc đẩy nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên thiên và du lịch nông thôn. Các chuyên gia cũng đề cập tới sự nổi lên của xu hướng “du lịch chậm” và du lịch cộng đồng, hướng tới những trải nghiệm chân thực, trách nhiệm và bền vững.

Các biện pháp bảo đảm sức khỏe và an toàn tiếp tục là mối quan tâm chính của du khách trong năm 2021. Do tình hình còn nhiều diễn biến khó lường do dịch bệnh và các lệnh hạn chế đi lại, xu hướng đặt chương trình du lịch vào phút chót (last-minute bookings) sẽ tiếp tục là hành vi phổ biến của du khách.

Bên cạnh đó, UNWTO cũng đề cập một số xu hướng khác như du lịch thanh niên, thăm bạn bè và người thân, du lịch kết hợp công việc và nghỉ dưỡng, du lịch đường sắt...

Cũng trong báo cáo tháng 1/2021, UNWTO đưa ra đánh giá rất thận trọng về khả năng phục hồi của ngành du lịch toàn cầu trong năm 2021 sau khi trải qua một năm 2020 đầy khó khăn đối phó với Đại dịch COVID-19.

Hội đồng chuyên gia của UNWTO đánh giá chỉ số lòng tin vào du lịch thế giới thấp kỷ lục cho giai đoạn tháng 9 đến tháng 12 của năm trước. Trên thang điểm từ 0 đến 200, Hội đồng chuyên gia UNWTO chỉ cho giai đoạn 4 tháng vừa rồi 19 điểm. Trong đó, phần lớn (92%) cho rằng tình hình ở mức xấu và xấu hơn dự kiến.

Chỉ số lòng tin cho 4 tháng tiếp theo, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021, vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện: 30% chuyên gia đánh giá ở mức xấu và 55% đánh giá ở mức xấu hơn nhiều.

Dù vaccine COVID-19 đã được đưa vào sử dụng ở một số nước, nhưng tốc độ triển khai chậm hơn dự kiến đã khiến các chuyên gia chưa nhìn thấy bất kỳ sự cải thiện nào về tình hình du lịch trong 4 tháng tới.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thành công trong khống chế dịch bệnh và triển khai vaccine sẽ góp phần tích cực hồi phục du lịch một cách an toàn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cần có thêm sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia về thủ tục đi lại, bảo đảm sức khỏe và an toàn liên quan đến xét nghiệm, chứng nhận vaccine, cung cấp số liệu đáng tin cậy và truyền thông hiệu quả.

Lyly