Trạm trung chuyển bến xe buýt Long Biên. Ảnh: Thanh Hải |
Gánh nặng đường xa
Hiện TP Hà Nội có khoảng 6,5 triệu xe cơ giới đăng ký lưu hành, 2 triệu xe ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn, 1 triệu xe chuyên dụng khác. Dân số TP vào khoảng 10 triệu người, tính cả người ngoại tỉnh thường xuyên lưu trú. Hà Nội đã phải chống chọi với vấn nạn UTGT suốt nhiều năm qua, chất lượng cuộc sống của người dân suy giảm nghiêm trọng, thiệt hại về kinh tế gia tăng theo nhịp độ ùn tắc.
Hà Nội hiện có 118 tuyến buýt với gần 2.000 xe; 3.326 điểm dừng xe buýt; 361 nhà chờ; 5 điểm trung chuyển; bao trùm 100% quận/huyện, trường học; 86% khu công nghiệp; 90% khu đô thị hiện hữu. |
Theo chuyên gia giao thông đô thị GS.TS Từ Sỹ Sùa, nguyên nhân chính dẫn đến UTGT là do sự lựa chọn cơ cấu sử dụng phương tiện không hợp lý, cơ sở hạ tầng giao thông đô thị không theo kịp sự bùng nổ của phương tiện cá nhân, hệ thống VTHKCC thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng… Các chuyên gia nhận định, xe buýt vẫn là chủ đạo trong VTHKCC của Hà Nội. Bởi mỗi dự án ĐSĐT cần hàng chục năm và nhiều tỷ đô la để hoàn thành; xe buýt BRT hay Monorail (hệ thống vận tải trên 1 ray)… vẫn chưa thấy tín hiệu sớm góp mặt vào mạng lưới chung.
Ông Dương Thế Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết thêm, tỷ lệ đảm nhận vận chuyển của các loại hình VTHKCC tại Hà Nội như sau: ĐSĐT 0%, buýt nhanh BRT 0,3%, xe buýt thường 12,2%, taxi 2,1%. Thực tế cho thấy, toàn mạng lưới VTHKCC đáp ứng được gần 15% nhu cầu đi lại của người dân thì xe buýt thường góp phần giải quyết tới 12,2%. “Trong khi ĐSĐT chưa đi vào sử dụng, BRT chỉ có 1 tuyến thì trong ít nhất 15 - 20 năm nữa, xe buýt vẫn là phương tiện VTHKCC giữ vai trò chủ đạo” - ông Bình khẳng định.
Ưu tiên chất lượng
Muốn làm tốt vai trò chủ đạo của mình trong 15 - 20 năm tới, xe buýt cần phát triển mạnh mẽ, toàn diện, ưu tiên về chất lượng dịch vụ. Sự gia tăng mạnh mẽ phương tiện cá nhân, nở rộ dịch vụ taxi và xe ôm công nghệ (như Grab, Be…) đang gây ảnh hưởng ngày càng lớn đến xe buýt Hà Nội. Ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho hay, sau gần 15 năm liên tục tăng, từ 2015 tới nay, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí là sụt giảm trong một số thời điểm. “Xe buýt không hề giảm về quy mô, số lượng nhưng rõ ràng, yêu cầu về chất lượng dịch vụ của khách hàng ngày càng cao, sự cạnh tranh từ taxi, xe ôm công nghệ rất khốc liệt. Thực tế này đòi hỏi xe buýt phải liên tục đổi mới” - ông Nhật nhìn nhận.
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, sự phát triển VTHKCC bằng xe buýt trong tương lai cần đảm bảo ưu tiên chất lượng dịch vụ, trong đó phát triển xe buýt theo hướng “cung cấp dẫn đầu”. Ông Từ Sỹ Sùa ví von: “Xe buýt phải nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn đi xe máy và ngồi thích hơn taxi thì mới thu hút được đông đảo người dân sử dụng”.
Nhiều chuyên gia khẳng định, ngay cả khi hệ thống VTHKCC tại Hà Nội hoàn thiện với đầy đủ các tuyến ĐSĐT và BRT thì vai trò của xe buýt vẫn không hề suy giảm. Trong tương lai, nếu được quy hoạch tốt, xe buýt ngoài sứ mệnh vốn có sẽ còn đóng vai trò “chân rết” giúp trung chuyển, kết nối hiệu quả và đồng bộ cho hệ thống ĐSĐT. Có thể nói, xe buýt sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng và là phương tiện VTHKCC chủ đạo của Hà Nội trong nhiều năm tới. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách của TP, cùng với đó là sự đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ của chính các DN.
Hoàng Hiệp - Đặng Sơn